Trong thách thức có thời cơ
Doanh nghiệp đang bước vào cuộc thử sức, thử lực và thử tài khốc liệt khi phải đối diện với bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Tại Hội thảo “Quản trị tài chính và kinh doanh trong thời kỳ suy thoái kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Dak Lak tổ chức mới đây, Tiến sĩ SAILENDRA NARAIN, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Phát triển tài chính Ấn Độ đã có những chia sẻ thú vị xung quanh vấn đề này.
† Thưa Tiến sĩ Sailendra Narain, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, đề cập đến vấn đề tài chính, doanh nghiệp thường nói nhiều về việc thiếu vốn. Theo ông suy nghĩ cũng như cách nhìn nhận như vậy đã đúng và đầy đủ chưa?
- Khẳng định của tôi là chưa đầy đủ. Doanh nghiệp nên có cái nhìn tổng quan về mối liên hệ giữa 3 yếu tố: quản lý tài chính; thị trường; cấu trúc và tái cấu trúc quản lý hoạt động. Chỉ đơn giản là khi có tài chính, nếu quản lý và tái cấu trúc không tốt thì sẽ dễ gặp rủi ro và bị động trong kinh doanh. Theo quan điểm của tôi, tái cấu trúc quản lý doanh nghiệp còn quan trọng hơn tìm kiếm nguồn vốn bởi đó mới là phương thức để doanh nghiệp chủ động bảo vệ cũng như gỡ khó cho mình trong mọi thách thức trên thương trường.
† Khủng hoảng nền kinh tế đang tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy theo Tiến sĩ, doanh nghiệp nên có tâm thế như thế nào trong bối cảnh này?
- Khó khăn, khủng hoảng của nền kinh tế hiện nay chỉ là một tình huống trong xu thế phát triển. Tình huống này rồi cũng sớm thay đổi, ngày hôm nay mưa không có nghĩa các ngày liên tiếp đó cũng sẽ mưa mãi. Hôm nay ảm đạm nhưng ngày mai sẽ tươi sáng, quan trọng là mỗi người cần tìm được con đường ngắn nhất để thoát ra khỏi bầu không khí ảm đạm ấy.
† Theo như phân tích của Tiến sĩ, doanh nghiệp cũng không nên quá bi quan hay nói cách khác là có thể lạc quan ngay trong bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế?
- Lúc nào cũng có cơ hội trong thách thức. Tôi xin đưa ra một ví dụ như thế này, nhìn trong khu rừng ta thấy một đám cháy nhưng thực tế không nên có cái nhìn cực đoan với đám cháy ấy, bởi nó vẫn có tác dụng là đánh thức, nhắc nhở để ta chuẩn bị, ứng phó tốt hơn nhằm hạn chế những đám cháy khác. Khủng hoảng nền kinh tế cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp soi rọi xem mình có điểm mạnh và điểm yếu gì để củng cố và hoàn thiện.
† Nếu là chủ doanh nghiệp trong bối cảnh này, Tiến sĩ sẽ làm gì biến thách thức thành cơ hội?
-Cải thiện, dọn dẹp nhà cửa thật chỉn chu hay nói cách khác là tái cấu trúc doanh nghiệp của mình cho phù hợp với thời thế, sau đó hãy bắt tay liên kết trên tinh thần cộng đồng doanh nghiệp cùng giúp đỡ nhau để điều chỉnh và thích ứng.
† Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Đàm Thuần (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc