Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay, chân, miệng

14:26, 18/09/2012

Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh tay, chân, miệng (TCM) đã tăng trở lại với mức trung bình 100 ca/tuần (tăng khoảng 50% so với tháng trước đó). Bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ với Báo Dak Lak một số giải pháp của ngành trước tình hình này.

* Hiện nay, bệnh TCM trên địa bàn tỉnh đang tăng trở lại với số ca bệnh được ghi nhận tại một số địa phương tương đối cao. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca bệnh TCM bắt đầu tăng trở lại. Nếu như trong tháng 8, mỗi tuần ghi nhận khoảng 50 ca bệnh, thì đến thời điểm này là 100 ca/tuần. Tính đến ngày 7-9, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.101 ca bệnh TCM, trong đó chỉ có 1 ca tử vong từ đầu vụ dịch và 1 ca dương tính với vi rút EV 71. So sánh trong khu vực Tây Nguyên, Dak Lak là địa phương có số ca bệnh cao nhất, song các ca bệnh nặng thì giảm so với trước. Điều này chứng tỏ hệ thống của chúng ta đã kiểm soát được khâu chuyển từ ca nhẹ sang ca nặng.

Giáo viên trường Mầm non Hoa Pơ Lang (TP. Buôn Ma Thuột) đang hướng dẫn học sinh các bước rửa tay đúng cách.
Giáo viên Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn học sinh các bước rửa tay đúng cách.

* Theo ông bệnh TCM tăng trở lại do chúng ta chưa chủ động trong công tác phòng, chống hay còn do nguyên nhân nào khác?

Bệnh tăng cao trở lại trong tháng 9 không phải chỉ có ở Dak Lak mà là hiện tượng chung của cả nước. Tại nhiều tỉnh như: Hải Phòng, An Giang, Quảng Ngãi…,  tình hình chung được đánh giá đều tăng. Nguyên nhân một phần là do thời gian này, nền nhiệt ngoài môi trường tăng lên khiến các bệnh lây qua đường tiêu hóa tăng. Trong khi đó, bệnh TCM là một dạng bệnh lây qua đường tiêu hóa nên khi nhiệt độ môi trường tăng thì cơ hội lây lan bệnh sẽ nhiều hơn. Mặt khác, mặc dù tỉnh đã tổ chức tốt chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, nhưng sau vài tháng phát động, chiến dịch có chiều hướng đi xuống,  người dân thấy dịch bệnh tại địa phương giảm, không xuất hiện các ca bệnh nguy hiểm nữa nên lơ là với công tác phòng chống. Đó là một trong những nguyên nhân chính mà chúng ta cần phải lưu ý để có chiến lược và giải pháp tiếp theo.

* Vậy ngành Y tế có giải pháp gì để đẩy mạnh phòng, chống bệnh TCM, thưa ông?

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có chỉ đạo sát sao về tăng cường công tác phòng, chống TCM. Theo đó, chúng tôi sẽ tăng cường trở lại một số giải pháp về phòng chống TCM. Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là cho đối tượng ở vùng sâu vùng xa, những gia đình có trẻ em từ 1-5 tuổi. Bên cạnh đó, xoay quanh bệnh TCM có một vấn đề là người lành mang trùng chiếm tỷ lệ cao, nên chính người lớn cũng phải gương mẫu thực hành các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh lây lan trong quá trình tiếp cận với trẻ. Do đó, việc tuyên truyền cho đối tượng này có nhận thức đúng và tham gia tích cực trong việc phòng tránh lây lan bệnh trong cộng đồng cũng sẽ được ngành Y tế đẩy mạnh.  Ngoài ra,  ngành Y tế sẽ cố gắng giám sát chặt chẽ các ổ dịch và xử lý ngay các ổ dịch mới nảy sinh. Đồng thời, hệ thống điều trị cũng tăng cường giám sát, phát hiện bệnh, hướng dẫn để người dân biết cách phát hiện bệnh và chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Có hệ thống rửa tay luôn sẵn sàng nước sạch phục vụ học sinh ngay trong khuôn viên nhà trường là một cách phòng bệnh TCM lây lan hiệu quả.
Có hệ thống rửa tay luôn sẵn sàng nước sạch phục vụ học sinh ngay trong khuôn viên nhà trường là một cách phòng bệnh TCM hiệu quả.

* Bệnh tăng trở lại trong thời điểm bước vào năm học mới, vậy ông có thể cho biết, sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục để phòng, chống bệnh TCM trong trường học?

Sở đã tổ chức hội nghị về y tế trường học và nhấn mạnh đến bệnh TCM; đồng thời đề nghị ngành Giáo dục cũng như các ngành, đoàn thể liên quan phối hợp chặt chẽ tập trung phòng, chống bệnh TCM lây lan. Chúng tôi cũng đề nghị ngành Giáo dục kiểm soát lại hệ thống, nhất là hệ thống trường mẫu giáo, mầm non và các cơ sở giữ trẻ. Đặc biệt, nơi nào có điểm giữ trẻ tự phát thì phải được quan tâm, đưa vào hệ thống quản lý và phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về bệnh TCM đối với người giữ trẻ của các cơ sở này. Tiếp tục phát động chương trình rửa tay với xà phòng, nhất là trong thời điểm đầu năm học mới. Trên thực tế, hiện nay có nhiều trường mầm non chuẩn bị rất tốt về nguồn nước, hệ thống rửa tay để trẻ được thực hành rửa tay hằng ngày. Song cũng có không ít trường chưa trang bị được hệ thống này khiến cho việc rửa tay của trẻ gặp nhiều khó khăn. Do đó rất mong chính quyền địa phương nơi có các trường mầm non, mẫu giáo sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, giúp các trường thực hiện tốt chiến dịch rửa tay bằng xà phòng nhằm phòng, chống bệnh TCM.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc