Multimedia Đọc Báo in

Để giảm tỷ lệ mắc sốt rét ở vùng biên giới một cách bền vững: Ý thức của người dân vẫn là then chốt

14:07, 07/12/2012

Những năm qua, công tác phòng chống bệnh sốt rét đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng: không có tử vong do sốt rét, dịch sốt rét không xảy ra, bệnh nhân sốt rét được khống chế… Tuy nhiên tỷ lệ mắc sốt rét trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực biên giới và các vùng trọng điểm sốt rét giảm không bền vững, năm nay giảm nhưng năm sau lại tăng. Vậy làm thế nào để cải thiện tình hình? Bác sĩ Hồ Tân Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh đã chia sẻ với phóng viên Báo Dak Lak về một số vấn đề này.

°Thưa bác sĩ, thống kê cho thấy tỷ lệ mắc sốt rét của 10 tháng năm 2012 tăng so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

10 tháng năm 2012, số ca mắc sốt rét toàn tỉnh tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng 2 huyện biên giới là Buôn Đôn và Ea Súp trong 9 tháng đầu năm 2012 ghi nhận 229 bệnh nhân sốt rét chiếm hơn 22% số ca bệnh của tỉnh, ký sinh trùng sốt rét chiếm hơn 30% và có 2 ca sốt rét ác tính trong tổng số 4 ca. Một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân sốt rét tăng là do dân đi lại giao lưu qua các vùng, dân đi rừng, ngủ rẫy, đi làm ăn xa, dân giao lưu biên giới.

°Vùng biên giới có những đặc điểm riêng về dân cư cũng như điều kiện sống, nhưng hiện nay việc giám sát sốt rét tại tuyến xã mới chỉ được thực hiện 1 lần/tháng liệu có đủ để giúp người dân khu vực này nâng cao nhận thức về phòng chống sốt rét hay không, thưa ông?

Trong những năm vừa qua, Dự án phòng chống sốt rét của Quỹ toàn cầu đã triển khai thực hiện tại các huyện. Trong đó, hằng tháng y tế thôn buôn phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về phòng chống sốt rét cho người dân trên địa bàn; từ tuyến xã đến tuyến tỉnh cũng đều thực hiện việc giám sát tại các điểm nóng về sốt rét. Ngoài ra còn có các chế độ giám sát, chỉ đạo của Viện sốt rét Trung ương, Viện sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn và một số điều tra của Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh. Bên cạnh việc giám sát, hiện nay chúng tôi còn thực hiện thêm công tác truyền thông bởi đây là một hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống sốt rét, thông qua nhiều phương tiện như đài truyền thanh, ti vi, qua các cuộc hội thảo, họp dân, đặc biệt là tuyên truyền bằng tranh, ảnh về phòng chống sốt rét gửi đến tận nhà người dân ở các thôn, buôn. Vào tháng 4 mỗi năm, chúng tôi còn tổ chức chiến dịch phòng chống sốt rét nhân Ngày Thế giới phòng chống sốt rét. Có thể nói rằng, việc giám sát, tuyên truyền như hiện nay là đủ, nhưng nếu thời gian tới hoạt động này được tăng cường hơn nữa thì bệnh sốt rét trên địa bàn sẽ giảm nhiều.

°Vậy trong năm tới, chúng ta sẽ cải thiện tình trạng này như thế nào?

Để giảm bệnh sốt rét và giảm một cách bền vững thì con người và kỹ thuật là những yếu tố hết sức quan trọng. Về con người, ý thức tự bảo vệ mình, tự phòng chống bệnh sốt rét là rất cần thiết. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối với những đối tượng có nguy cơ cao tại điểm nóng về sốt rét từ đó làm thay đổi ý thức của người dân trong phòng chống sốt rét. Còn về kỹ thuật, các biện pháp kỹ thuật cần phải tiến hành tốt hơn, nhiều hơn và rộng khắp hơn nữa. Hiện nay, tất cả các trạm y tế xã trên địa bàn đều đã thực hiện xét nghiệm bằng kính hiển vi hoặc bằng các chẩn đoán nhanh. Do đó, chúng tôi đã khuyến cáo với bà con là khi có sốt hãy đến cơ sở y tế, 100% bệnh nhân có sốt sẽ được xét nghiệm để xác định có sốt rét hay không. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện các biện pháp kỹ thuật khác như tẩm màn bằng hóa chất cho các hộ dân; phát màn cho những người dân đi rừng, ngủ rẫy; phun hóa chất tại các hộ gia đình ở những vùng sốt rét lưu hành nặng…

°Bác sĩ có thể nói rõ hơn về mục tiêu Chiến lược phòng chống sốt rét cho dân giao lưu biên giới trong những năm tới?

Mục tiêu chung của Chiến lược phòng chống sốt rét cho dân giao lưu biên giới là tăng cường phát hiện, quản lý và áp dụng các biện pháp phòng chống sốt rét thích hợp để góp phần thực hiện mục tiêu giảm số mắc sốt rét, giảm tử vong do sốt rét và không để dịch sốt rét xảy ra. Các giải pháp phòng chống được đề ra trong thời gian tới bao gồm: phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phát hiện dân giao lưu biên giới và triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét cho nhóm đối tượng này; củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến y tế xã, y tế thôn, buôn; kiểm soát nguồn bệnh sốt rét từ người Campuchia qua Việt Nam và ngược lại; cung cấp đủ thuốc điều trị sốt rét cho các trạm y tế xã để cấp đủ thuốc tự điều trị sốt rét cho nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy và dân giao lưu biên giới; cung cấp màn tẩm hóa chất cho người dân có giao lưu qua lại cửa khẩu, biên giới, người đi rừng, ngủ rẫy và cấp kem, hương xua muỗi phòng chống muỗi đốt tại nhà rẫy; làm thay đổi kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống sốt rét cho người dân giao lưu qua lại cửa khẩu, biên giới… Như vậy, cùng với các tỉnh trong khu vực, tỉnh ta sẽ tiến tới tiền loại trừ và loại trừ sốt rét vào năm 2030.

°Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc