Multimedia Đọc Báo in

Để giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi: Tăng cường cung cấp kiến thức nuôi con cho các bà mẹ

16:55, 22/11/2012

Những năm qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạnh suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi, song tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng trên địa bàn luôn cao hơn so với mức trung bình chung của cả nước. Vậy, để cải thiện được tình trạng này, đâu là yếu tố cần thiết!? Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh đã chia sẻ với Báo Dak Lak đôi điều xoay quanh vấn đề này.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh.


* Được biết, Dak Lak hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao so với cả nước. Bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Dak Lak có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi cao đứng thứ 2 toàn quốc (sau Kon Tum) với tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng trên tuổi là 25,6%, còn chiều cao trên tuổi là 35,5%. Hiện tại, trong 15 huyện, thị xã, thành phố, 3 địa phương có tỷ lệ  trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao là Krông Bông, Ea Súp và Krông Năng.

* Đâu là nguyên nhân của tình trạng nói trên, thưa bà?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi như: trẻ suy dinh dưỡng từ khi còn trong bào thai; trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; đời sống kinh tế khó khăn, người mẹ phải đi lao động sớm không có điều kiện chăm sóc con dẫn đến trẻ bị thiếu ăn, còi cọc; trẻ bị bệnh hấp thu dinh dưỡng kém; kinh tế của toàn xã hội, cộng đồng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đối với Dak Lak là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu xuất phát ở điều kiện kinh tế. Trên thực tế, nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn, lại đẻ dày, đẻ nhiều nên không có điều kiện cải thiện bữa ăn, chăm lo cho con cái, khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng về cân nặng hoặc chiều cao, thậm chí nhiều trẻ cùng lúc bị suy dinh dưỡng ở cả 2 thể cân nặng và chiều cao.

* Những giải pháp nào đã được tỉnh triển khai để khắc phục tình trạng trẻ suy dinh dưỡng đang nằm ở ngưỡng cao so với cả nước, thưa bà?

Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng được HĐND tỉnh quan tâm, đưa vào nghị quyết. Trên thực tế, chúng tôi đã triển khai các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng một cách đồng bộ, từ việc đẩy mạnh truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng xuống tận xã, thôn, buôn đến việc kết hợp với các ban, ngành khác trong phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao mức sống cho người dân; rồi tập huấn cho cán bộ y tế xã và thôn, buôn để họ có thể hướng dẫn, cung cấp cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ những kiến thức chăm sóc bản thân và chăm sóc trẻ nhỏ để tránh được bệnh tật, phát triển tốt. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan tác động mà cụ thể là điều kiện kinh tế của người dân ở một số vùng còn nhiều khó khăn nên mức giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn hàng năm chỉ đạt được 0,8 - 1%.

Điều kiện kinh tế khó khăn cộng với tập quán đẻ dày, đẻ nhiều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn.
Điều kiện kinh tế khó khăn cộng với tập quán đẻ dày, đẻ nhiều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn.

* Theo bà, để  tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm một cách bền vững thì yếu tố nào được xem là then chốt?

Để giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng  một cách bền vững, kể cả với quốc gia và tỉnh vấn đề tiên quyết vẫn là yếu tố hợp tác giữa ban ngành, đoàn thể và cộng đồng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, kiến thức của người mẹ là rất quan trọng, do đó công tác giáo dục truyền thông cho phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi cần được đẩy mạnh. Xác định được những yếu tố nòng cốt này, trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống suy dinh dưỡng thời gian qua cũng như trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, đó là: tuyên truyền cho các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; truyền tải chính sách đã được Nhà nước thông qua là tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản cho phụ nữ từ 4 lên 6 tháng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông tích cực đưa kiến thức về chăm sóc trẻ nhỏ đến với người dân trên mọi phương tiện; đầu tư trang thiết bị, thành lập các bệnh viện bạn hữu trẻ em để chăm sóc trẻ sơ sinh tốt nhất trong những ngày đầu đời khi trẻ được sinh ra.  

Xin cảm ơn bà!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc