Ông Trần Văn Thành, Quyền giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn: “Lãnh đạo làm việc nghiêm minh, công tâm thì sẽ không có chuyện nhân viên làm điều sai trái”!
Báo cáo trước UBND tỉnh và các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11-2012 do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tuần (3-12), ông TRẦN VĂN THÀNH, Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn khẳng định: Thời gian gần đây, tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn Vườn quản lý đã giảm đến 80%. Đây được xem là kết quả đáng mừng sau một thời gian ngắn Vườn Quốc gia Yok Đôn thực hiện việc sắp xếp, chấn chỉnh và củng cố bộ máy tổ chức nhân sự, đặc biệt là đối với lực lượng cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
Trả lời phỏng vấn Báo Dak Lak, ông Trần Văn Thành cho biết: Khi mới về nhận công tác tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (từ tháng 7-2012), tôi đã nhận thấy tình hình ở đây rất nghiêm trọng. Đặc biệt là tình trạng khai thác các loại gỗ quý hiếm diễn ra rộng khắp trên các địa bàn của Vườn. Trong đó nổi cộm là khu vực trạm 1, 2, 3, 6,… Trước thực trạng đó, tôi đã tiến hành tìm hiểu thông tin và biết được nguyên nhân nào khiến lâm tặc lộng hành đến vậy. Và nguyên nhân cơ bản nhất chính là nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ con người! Mà con người thì gồm có cả khâu tổ chức, phân công bố trí tổ chức các trạm đội chưa phù hợp; những người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng được phân công chưa phù hợp; phương án quản lý bảo vệ rừng cũng chưa phù hợp…
*Cụ thể, ông đã tiến hành chấn chỉnh lại nội bộ như thế nào?
- Việc đầu tiên là nhắc nhở, sau đó là phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, chểnh mảng trong công tác, có dấu hiệu “bắt tay”, thông đồng với lâm tặc. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã cho luân chuyển 65 cán bộ kiểm lâm; miễn nhiệm 1 trạm trưởng và 2 trạm phó, buộc thôi việc 1 kiểm lâm cấu kết với lâm tặc. Đặc biệt là từ khi tôi về công tác tại đây, hễ anh nào có dấu hiệu vi phạm là tôi cho kiểm tra, xử lý ngay.
Thực ra trước đây, lãnh đạo Vườn thi thoảng cũng cho luân chuyển các bộ kiểm lâm ở các trạm. Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm không được nghiêm minh, minh bạch nên làm cho tư tưởng, ý chí của anh em bị lung lay nhiều. Ở đâu cũng vậy, người lãnh đạo làm việc nghiêm minh, công tâm thì sẽ không có chuyện nhân viên, cấp dưới làm càn, làm điều sai trái.
Trong công tác giữ rừng, chỗ nào trở thành “điểm nóng” là chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ kịp thời. Tất cả các tổ cơ động phải có trách nhiệm hỗ trợ và triển khai giám sát tất cả các trạm. Trạm này có thể đi đến trạm kia tác nghiệp… để làm sao tránh được sự theo dõi của lâm tặc, đồng thời giám sát lẫn nhau cho tốt. Yêu cầu của tôi đặt ra là phải nâng cao tầng suất tuần tra rừng. Nhờ vậy, có thể nói thời gian gần đây tinh thần của anh em đã tốt hơn trước rất nhiều. Bằng chứng là những con số cụ thể: trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng số vụ vi phạm lâm luật được phát hiện, bắt giữ ở Vườn là 182 vụ. Trong khi đó, chỉ 5 tháng gần đây (từ tháng 7 đến tháng 11), chúng tôi đã phát hiện và bắt giữ 318 vụ việc, và số vụ việc ngày càng giảm đáng kể, cụ thể: trong tháng 10 chúng tôi phát hiện 83 vụ thì đến tháng 11 chỉ còn 52 vụ.
*Liên quan đến công tác chấn chỉnh nội bộ, mới đây ông có Báo cáo số 912 gửi Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó có đề cập: “Các Phó giám đốc Vườn quan hệ với lâm tặc khá nhiều, thậm chí bao che người sai trái, trù dập người tích cực…”. Báo cáo như vậy liệu có quy chụp, gây mất đoàn kết nội bộ?
- Đúng là trong Báo cáo 912 tôi có nói như vậy, và tôi nói như vậy là còn nhẹ đấy! Còn có những việc nặng nề hơn nữa trong nội bộ của Vườn mà tôi chưa tiện nói ra. Những gì tôi đã nói, đã báo cáo là hoàn toàn có cơ sở! Trong Báo cáo 912, tôi báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp về tình hình, công tác tổ chức cán bộ của đơn vị, trong đó có một số cán bộ còn những thiếu sót cần phải điều chỉnh, sửa chữa khắc phục… Qua đây tôi cũng một lần nữa khẳng định quan điểm của mình rằng: hiện tại một số cán bộ lãnh đạo của Vườn tính cách vẫn còn nặng về quyền lợi cá nhân, chưa tích cực tham gia công tác quản lý điều hành, kết quả làm việc kém hiệu quả, quan hệ khá nhiều với lâm tặc… nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công việc không kiên quyết, thậm chí còn bao che người sai trái, trù dập người tích cực…
Tôi biết, có một số người bị tôi xử lý kỷ luật đã có lời ra tiếng vào này nọ, thậm chí còn viết đơn kiến nghị gửi đến nhiều nơi. Tôi rất hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghĩ đến cái chung, nghĩ đến nhiệm vụ lớn lao hơn là giữ rừng. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn còn nhiều yếu kém, thiếu hiệu quả dẫn đến mất rừng. Những thiếu sót đó cần phải chấn chỉnh nếu không thì không làm việc được, mà không làm việc được thì phải thay thế. Không thể để tồn tại vài “con sâu làm rầu nồi canh” được! Mình làm vì cái chung, vì sự nghiệp bảo vệ rừng thì chẳng ngại gì cả. Trong cuộc sống không thể dung hòa tất cả mọi thứ được, do đó, phải đứng trên quan điểm: cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm.
*Với quan điểm cũng như thực tế những gì đã và đang làm, ông có tự tin là mình sẽ giữ được rừng cho Vườn Quốc gia Yok Đôn?
- Thú thật, tôi không dám cam đoan rằng mình sẽ giữ được cho Vườn từng con thú, cây gỗ. Nhưng tôi tin với quyết tâm cao của mình cùng sự tin tưởng, tâm huyết của cán bộ nhân viên cũng như sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì Vườn Quốc gia Yok Đôn sẽ được quản lý bảo vệ tốt hơn. Vấn đề là chúng ta có tìm được người tâm huyết để giữ rừng hay không. Bởi theo tôi, tìm được người tâm huyết với việc giữ rừng khó lắm. Tâm huyết nghĩa là phải trải qua thực tiễn, trải qua giáo dục, huấn luyện… và phải hiểu rừng, yêu rừng. Chỉ những người yêu rừng, hiểu rừng mới có thể nhận ra một điều rằng: Cây cối, động vật đều là những sinh vật. Nó có quyền được sống! Loài người chúng ta cũng vậy, đều có quyền bình đẳng và quyền được sống trong xã hội. Quyền sống ấy không ai có thể vô cớ xâm hại được.
Một điều nữa tôi muốn nói ở đây để cùng nhau góp phần giữ lấy rừng, đó là: Những gì đang được chúng ta bảo vệ ở trong Vườn Quốc gia Yok Đôn nói riêng, trong tất cả các khu rừng nói chung đều là tài nguyên của loài người. Nếu chúng ta không sử dụng khôn khéo, thông mimh thì nguồn tài nguyên này sẽ bị diệt vong. Mà đây là tài nguyên sống, nó khác với các loại tài nguyên vô cơ như: xăng, dầu, đất, nước, không khí… Nếu chúng ta tiêu diệt nó thì sẽ khó tái tạo lại được!
*Xin cảm ơn ông!
Việt Cường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc