Sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp để giảm nghèo bền vững ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao
Sau nhiều năm thực hiện chính sách giảm nghèo, Dak Lak đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tốc độ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2006-2010 là 4,02%, hộ (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) giảm từ 17,39% năm 2011 xuống còn 14,67% năm 2012. Đặc biệt, với 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tỉnh đã dành một chuyên đề riêng để tập trung quyết liệt các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50% trong năm 2012. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo ở 19 xã đã giảm nhiều, tuy nhiên chất lượng vẫn chưa bền vững. Đồng chí Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã chia sẻ với phóng viên Báo Dak Lak một số vấn đề xoay quanh nội dung này.
* Kết quả giảm nghèo của 19 xã sau 5 tháng UBND tỉnh dành riêng chuyên đề về công tác giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa đồng chí ?
Từ tháng 8-2012, sau khi thấy còn 16 xã thuộc 7 huyện là Buôn Đôn (3 xã), Ea Kar (3 xã), Ea Súp (3 xã), Krông Bông (1 xã), Krông Buk (1 xã), Krông Pak (1 xã), Lak (4 xã) có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, Thường trực UBND tỉnh quyết định phải có chuyên đề cho 16 xã này và thêm 3 xã của huyện M’Drak có tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 50%, với mục tiêu đến cuối năm 2012, các xã này phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%. Qua sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến thời điểm này đã có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 50%, có 3 xã thuộc huyện M’Drak giảm xuống 40%, hiện chỉ còn 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Kết quả giảm nghèo tại 19 xã đạt tương đối cao, như xã Dak Phơi (Lak) giảm 16,24%, Ea Rbin (Lak) giảm 17,06%, Cư Elang (Ea Kar) giảm 12,36%... Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa thật bền vững, số hộ cận nghèo phát sinh trong năm nhiều, đặc biệt số hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, chiếm 76,72% trong tổng số hộ nghèo.
* Nhiều ý kiến cho rằng: một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thoát nghèo thiếu bền vững là do nguồn vốn đầu tư chưa tập trung, còn dàn trải. Đồng chí đánh giá vấn đề này như thế nào ?
Nói như vậy cũng chưa thật sự chính xác, bởi nhu cầu thực về vốn rất nhiều, nơi nào cũng cần đầu tư, trong khi ngân sách của Nhà nước thì hạn hẹp, nếu tập trung vốn cho địa phương này thì địa phương khác lại có ý kiến, cho nên rất khó cho tỉnh trong giải quyết vấn đề này. Và trong năm 2013, nguồn vốn ngân sách cũng chỉ tập trung cho việc nạo vét, sửa chữa và nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất và giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao theo nghị quyết của HĐND tỉnh vừa thông qua.
* Để giảm nghèo bền vững tại những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian tới Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa đồng chí ?
Trong năm 2013, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và giao trách nhiệm trực tiếp cho UBND cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể và có nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo để tập trung giảm nghèo bền vững ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là 6 xã có tỷ lệ trên 50%, trong đó có 2 xã Ea Yiêng (Krông Pak) và Ia Lốp (Ea Súp) có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%; đồng thời tiến hành xây dựng xã điểm về công tác giảm nghèo để sau đó nhân rộng mô hình ra các xã khác.
* Xin cảm ơn đồng chí !
Thuận Nguyễn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc