Multimedia Đọc Báo in

Cần tạo mọi điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

10:33, 24/06/2013

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em 2013, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Sở GD-ĐT vừa tổ chức Trại hè bóng đá hòa nhập, mang đến một sân chơi giao lưu giữa trẻ khuyết tật và trẻ bình thường. Hoạt động này cũng để kỷ niệm 45 năm MCNV có hoạt động hỗ trợ tại Việt Nam và 15 năm đồng hành cùng tỉnh Dak Lak trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật. Nhân dịp này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với bà PAMELA WRIGHT, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam.

- Thưa bà, ngoài việc tạo nên một sân chơi cho trẻ khuyết tật, Trại hè bóng đá hòa nhập còn mang ý nghĩa gì?

- Đây là một ý tưởng hoạt động mới mà MCNV và ngành GD-ĐT tỉnh Dak Lak tổ chức, trước hết là tạo nên một sân chơi hòa nhập mà trẻ khuyết tật và trẻ bình thường có thể vui chơi cùng nhau. Hoạt động như thế này chúng tôi nghĩ là sẽ có nhiều hiệu ứng, thứ nhất là tạo điều kiện để trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp các em tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn. Thứ hai là bản thân trẻ khuyết tật sẽ thấy được có thể chơi được, giao lưu được với các trẻ bình thường khác trên cùng một sân chơi. Một điều quan trọng nữa là gia đình và xã hội sẽ thấy rằng các trẻ khuyết tật và không khuyết tật có thể cùng chơi trên một sân chơi và gia đình, cộng đồng, xã hội cần tạo cho trẻ khuyết tật nhiều sân chơi hơn để trẻ cùng tham gia. Tuy nhiên, hoạt động như thế này còn khá hạn chế, chẳng hạn, ở Trại hè bóng đá hòa nhập này, chỉ có những trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh và trẻ ở TP.Buôn Ma Thuột được tham gia, nhìn rộng ra thì ở Dak Lak còn rất nhiều trẻ khác chưa có cơ hội tham gia những hoạt động như thế này. Vì vậy, thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn gây quỹ từ thiện nhằm các trẻ khuyết tật ở hai huyện còn nhiều khó khăn là Lak và Krông Bông chưa được đi học ở các trường chuyên biệt có cơ hội đến trường và hòa nhập với xã hội. Có thể coi đây là một mô hình để những ai cảm thấy muốn thể hiện trách nhiệm đối với những trẻ có hoàn cảnh thiếu may mắn có thể đóng góp bởi cùng chung tay góp sức, chúng ta sẽ tạo cho trẻ em khuyết tật có cơ hội tốt hơn để phát triển.

- MCVN đã có 15 năm đồng hành cùng tỉnh Dak Lak trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật. Bà đánh giá như thế nào về những đề án mà MCNV đã tham gia tại địa phương? Trong thời gian tới, MCNV sẽ hướng đến những hoạt động trọng tâm nào tại Dak Lak?

- Quả thật, chúng tôi đã có hoạt động hỗ trợ ở Dak Lak trong nhiều năm qua. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã có những đối tác rất tốt trong ngành giáo dục và y tế. Trước đây, chúng tôi có hướng dẫn giáo viên ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh phương pháp giáo dục trẻ bị khiếm khuyết vận động, khiếm thính, khiếm thị. Như các bạn thấy đấy, hiện nay ở Trung tâm không những đã có nhiều thiết bị rất tốt hỗ trợ cho việc giảng dạy mà đội ngũ giáo viên đã thành thục nhiều kỹ năng rất tốt trong giáo dục, giúp đỡ trẻ khuyết tật. Ngành giáo dục, y tế tỉnh đã có thể tự tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và hầu như mọi chi phí hoạt động đều do ngân sách các sở tự chi trả. Tuy nhiên, MCNV vẫn có những hoạt động hỗ trợ khác, chẳng hạn như trong hoạt động lần này, chúng tôi đã chủ động liên lạc với Liên đoàn bóng đá Hà Lan cùng phối hợp để tổ chức sân chơi cho trẻ. Hiện nay, chúng tôi nhận thấy thanh niên khuyết tật rất quan tâm đến việc làm và ổn định cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Bởi vậy, trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật, MCNV sẽ có định hướng giúp đỡ thanh niên khuyết tật ở địa phương trong việc hướng nghiệp, tạo việc làm.

- Người khuyết tật ở Dak Lak nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn có nhiều thiệt thòi. Với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, theo bà, địa phương cần có hoạt động như thế nào để hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật?

- Tôi cho rằng đầu tiên là cần phải có thái độ hòa nhập đối với tất cả người khuyết tật. Những người khuyết tật chưa được đi học thì phải được tạo điều kiện đi học bởi giáo dục rất quan trọng, người khuyết tật được đến trường cũng là được hòa nhập và học cách ứng xử với cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, khi lên kế hoạch cho bất cứ hoạt động nào, nguồn ngân sách nào cũng nên cân nhắc yếu tố hòa nhập với người khuyết tật. Chẳng hạn ở đất nước của chúng tôi, khi có bất cứ hoạt động nào hoặc lên kế hoạch gì, chúng tôi cũng phải có bảng đánh giá các chỉ tiêu, các hoạt động đó như: đã bao gồm phụ nữ chưa, bao gồm người khuyết tật và người dân tộc thiểu số chưa. Và bằng cách bao gồm tất cả những điều kiện cho tất cả mọi người là điều tốt cho xã hội, bởi nếu như chúng ta không tạo ra việc hòa nhập với người khuyết tật trong sự phát triển của mình thì có thể chúng ta sẽ mất đi một nguồn lực to lớn, một cơ hội cho sự phát triển của xã hội. Chẳng hạn, một người khiếm thị có thể có khả năng rất tốt trong việc tổ chức và nếu chúng ta không tận dụng khả năng đó, không những người khuyết tật mất đi cơ hội được đóng góp và được thể hiện khả năng của mình mà xã hội cũng mất đi một tài năng. 

Hồng Thủy (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc