Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 102 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911-5-6-2013): Bài học từ chuyến đi lịch sử

16:24, 05/06/2013

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh) xuống con tàu A-mi-ran La-tút-sơ Trê-vin, từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), thực hiện một chuyến đi lịch sử với thời gian kéo dài 30 năm, qua 3 đại dương, 4 châu lục và khảo sát qua 30 nước trên khắp thế giới để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.

2
Tàu Đô đốc Latútsơ  Tơrêvin (L' Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc  đi tìm đường cứu nước (5-6-1911). Ảnh tư liệu


Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ của chúng ta lại quyết định ra đi thực hiện một cuộc hành trình lịch sử, đầy khó khăn như vậy? Những kết quả nghiên cứu cho thấy: Người đã hội tụ đầy đủ các yếu tố (cả khách quan và chủ quan) tạo nên sức mạnh và động lực thôi thúc ra đi, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, kể cả hiểm nguy, quyết tìm cho được con đường cứu nước, cứu dân.

Thấm đượm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống cách mạng của quê hương, được sự vun trồng chăm sóc, nuôi dưỡng, khích lệ của truyền thống gia đình đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó là một hành trang hết sức quan trọng để Người lên đường, nhưng để có thành công, một kết quả như mong muốn, đòi hỏi Người cần phải có những nỗ lực cao độ của cả trí tuệ và sức lực. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói cách khác cần phải có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa nhân tố khách quan với việc phát huy cao độ năng lực chủ quan của cá nhân mới đem lại kết quả như mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kết hợp đầy đủ các yếu tố trên, đặc biệt là việc phát huy nhân tố chủ quan của Người được thể hiện trên hai khía cạnh.

Một là, với thiên tài của trí tuệ, Người thấy “phải ra nước ngoài xem cho rõ, sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào”. Đối với Nguyễn Tất Thành, đây không phải là quyết định giản đơn, tình cờ, càng không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở và suy tư, một quyết tâm lớn và là kết quả tổng hợp của một quá trình nhận thức, phân tích, lý giải khoa học những yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử cùng với sự sáng suốt và nhạy cảm của một thiên tài để đưa ra một quyết định đúng đắn nhằm đáp ứng đòi hỏi yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, trong bước khởi đầu hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh hồi đầu thế kỷ XX. Vì vậy, ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của nó mãi mãi được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình cứu nước của Người, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định con đường cứu nước thành công.

Hai là, cùng với quá trình tìm hướng đi, Người đã chọn cách đi bằng lao động chân tay với nhiều nghề từ phụ bếp đến lao công dọn tuyết, bồi bàn trong khách sạn… hòa mình vào cuộc sống và đấu tranh của giai cấp vô sản vừa lao động, vừa quan sát, học tập trong thực tế tại nhiều nước. Đây là cơ sở hết sức quan trọng, một đặc trưng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiếp cận với lý luận khoa học và cách mạng, nói cách khác từ thực tiễn hoạt động đặt ra cho Người nhu cầu học tập lý luận, để củng cố nâng cao nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Chính từ hoạt động thực tiễn trong những năm đầu đi tìm đường cứu nước qua nhiều nước trên thế giới, Người rút ra kết luận: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Như vậy, Người đã làm rõ khẩu hiệu bất hủ của Lê nin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại". Sau này trong quá trình lãnh đạo đất nước, Người luôn phân tích một cách sâu sắc mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, khẳng định cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta không thể tách rời cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Người nói: Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em- đó là tư tưởng đoàn kết quốc tế trong sáng của Hồ Chí Minh, cần được vận dụng và phát huy trong quá trình hội nhập quốc tế ở nước ta trong thời kỳ phát triển mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

Như vậy, trong cuộc hành trình đầy gian khổ, qua nhiều đại dương và lục địa, cuộc khảo sát vô cùng phong phú đã đem lại cho Người một sự lựa chọn đúng đắn về con đường cứu nước, cứu dân. Đó là con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng toàn xã hội. Đây là con đường cứu nước đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đó là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nguồn gốc đó được bắt đầu từ một cuộc hành trình lịch sử tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một thế kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc.

N.X (nguồn Báo điện tử ĐCSVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.