Multimedia Đọc Báo in

Trẻ bị sốt xuất huyết tăng mạnh, thể bệnh nặng

19:36, 15/06/2013

Trong 6 tháng đầu năm, số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập viện điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tăng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt có nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, trưởng khoa Nhi  cho biết  thêm về vấn đề này:

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn

* Bác sĩ có thể khái quát một vài nét về các ca bệnh SXH đã và đang điều trị tại khoa những ngày qua?

Kể từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi đã tiếp nhận, điều trị 29 trường hợp SXH, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2012. Điều đáng chú ý là năm nay có nhiều ca bệnh diễn tiến rất nhanh, khi vào khoa ở thể nhẹ nhưng chỉ sau 24 tiếng, thậm chí trước 24 tiếng đã chuyển sang thể nặng. Chỉ tính ở thời điểm hiện tại, trong 4 ca bệnh SXH đang điều trị tại khoa đã có đến 2 ca diễn tiến nặng, rơi vào tình trạng bị sốc. Tuy nhiên, các ca bệnh diễn tiến nặng đều được theo dõi sát và xử lý kịp thời nên không có trường hợp tử vong xảy ra. Đến nay, ngoài 4 ca đang điều trị, tất cả các trường hợp còn lại đều được chữa khỏi và ra viện.

* Để đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh, khoa Nhi đã có sự chuẩn bị như thế nào về công tác chuyên môn, thưa bác sĩ?

SXH là bệnh được khoa rất chú trọng nên chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức tập huấn để cán bộ, y bác sĩ ôn lại kiến thức về mặt chẩn đoán bệnh cho kịp thời, đồng thời ôn lại phác đồ điều trị. Có thể nói, đối với những vấn đề cơ bản để chuẩn bị điều trị cho một bệnh nhân SXH đều đã được khoa Nhi chuẩn bị gần như hoàn chỉnh.Tuy nhiên, dự báo bệnh SXH trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh và diễn biến phức tạp, ngoài việc chuẩn bị tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho điều trị bệnh, hiện khoa đang đề nghị Ban lãnh đạo bệnh viện trang bị thêm một số máy móc nhằm hỗ trợ công tác điều trị, chẳng hạn như máy HCT đánh giá tình trạng cô đọng máu ở bệnh nhân SXH. Đây là thiết bị rất cần thiết đối với bệnh nhân SXH bởi trên thực tế, ngoài những trường hợp nặng thì ngay cả với những bệnh nhân đã qua giai đoạn sốc, bệnh đã ổn định nhưng vẫn cần kiểm tra tình trạng cô đọng máu càng nhanh càng tốt.

Một ca bệnh SXH điều trị tại khoa Nhi.
Một ca bệnh SXH điều trị tại khoa Nhi.

* Bác sĩ có khuyến cáo gì đến người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH?

SXH là bệnh do vi rút gây ra và vi rút này truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Vi rút gây bệnh SXH phát triển quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào mùa mưa. Các dấu hiệu của SXH ở trẻ gồm: sốt cao liên tục từ 2-7 ngày; nổi những chấm, những mảng hoặc những nốt xuất huyết trên toàn thân; chảy máu cam hoặc đi cầu ra máu, thậm chí nôn ra máu ồ ạt; ngoài ra, trẻ rất mệt, ăn uống kém, bứt rứt trong người… Khi thấy trẻ có những dấu hiện trên, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám. Bởi, trên thực tế, để chẩn đoán một bệnh nhân SXH phải kết hợp giữa các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, mà muốn làm cận lâm sàng thì người bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng cô đọng máu để biết người bệnh có phải truyền dịch hay không… Ngoài ra, một vấn đề mà người dân cần biết đó là bệnh SXH hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa, nên chủ yếu tập trung vào công tác điều trị và phòng bệnh. Trên thực tế, muỗi truyền bệnh SXH thường sống ở những góc tối và sinh sản ở những nơi ứ đọng nước, do đó người dân cần biết bảo vệ mình khỏi bệnh SXH bằng việc ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, không cho muỗi phát sinh.

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc