Bảo đảm quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định số 49
Năm học 2013-2014, việc hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo Nghị định 49 của Chính phủ được UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT thực hiện. Để giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn những nội dung liên quan đến chính sách ưu đãi của Nhà nước, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông PHAN HỒNG, Giám đốc Sở GD-ĐT.
*Thưa ông, năm học 2013-2014 tỉnh ta tiếp tục hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh bằng hiện vật phục vụ học tập, thay vì cấp tiền mặt?
-Cũng như hai năm học trước, năm nay UBND tỉnh quyết định hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh bằng hiện vật. Theo đó dự kiến toàn tỉnh có hơn 300 nghìn học sinh được cấp sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng. Trong đó mua sách, vở và dụng cụ học tập ước khoảng 128 tỷ đồng (123 tỷ đồng hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện hưởng theo Nghị định 49, ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng cho đối tượng học sinh DTTS, chính sách), số kinh phí còn lại sẽ chi trả cho học sinh theo đúng chế độ.
*Có ý kiến cho rằng tỉnh nên thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư 29-Liên Bộ Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo là hỗ trợ chi phí học tập bằng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng nhằm tránh gây lãng phí, bởi chi phí học tập không chỉ gói gọn về sách, vở, dụng cụ học tập, trong thực tế phụ huynh phải chuẩn bị rất nhiều thứ khác cho các cháu?
-Do đặc thù của tỉnh miền núi, có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông nên việc hỗ trợ chi phí học tập bằng hiện vật là phù hợp. Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện một số chính sách ưu đãi khác, khi cấp bằng tiền mặt có một bộ phận đối tượng được cấp không sử dụng đúng mục đích. Liên quan đến việc hỗ trợ chi phí học tập bằng tiền mặt hay bằng hiện vật, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề này với sự tham dự của lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đăng ký của các huyện, UBND tỉnh quyết định cấp bằng hiện vật, nhằm bảo đảm cho học sinh đủ các điều kiện tối thiểu để học tập. Phần kinh phí còn lại sau khi mua bằng hiện vật theo đúng định mức quy định, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp và chi trả cho học sinh.
*Đây là năm đầu tiên Sở GD-ĐT thực hiện việc hỗ trợ chi phí học tập; cùng với đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49. Với những yếu tố khách quan trên, liệu rằng có ảnh hưởng đến tiến độ đề ra?
- Hai năm học trước, Sở LĐTB&XH thực hiện việc hỗ trợ chi phí học tập nhưng do ngành Lao động không trực tiếp quản lý học sinh nên ít nhiều gặp khó khăn trong việc triển khai, từ năm học 2013-2014, UBND tỉnh giao việc này cho Sở GD-ĐT. Mặc dù thời gian ngắn, khối lượng công việc tương đối lớn, nhưng ngành Giáo dục đã nhận được sự quan tâm của các ngành chức năng cũng như sự đồng thuận của xã hội nên triển khai chính sách hỗ trợ khá thuận lợi. Với quyết tâm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách, đồng thời kịp thời gian năm học mới, ngành đã nhanh chóng ban hành văn bản gửi các phòng giáo dục, các đơn vị trực thuộc thông báo đến những đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập để các em không mua SGK, vở viết và dụng cụ học tập thiết yếu nhằm tránh tình trạng lãng phí.
Ngày 15-7-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 74 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Một trong những điểm mới của Nghị định này là đối tượng trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ không được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Tuy nhiên tỉnh ta chỉ có một lượng rất nhỏ học sinh thuộc diện đối tượng này.
Hiện nay, sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập đã được chuyển đến các trường, phấn đấu trước ngày bắt đầu học kỳ I năm học mới (19-8) hoàn thành việc cấp phát cho học sinh.
*Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc