Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước

10:51, 02/08/2013

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), tỉnh đang tập trung các giải pháp hướng mạnh về cơ sở, lấy mục tiêu chăm lo các lợi ích của dân để đề ra các chương trình, kế hoạch và phương thức vận hành bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Giám đốc Sở Nội vụ MIÊNG KLƠNG đã có cuộc trao đổi với PV Báo Dak Lak xung quanh vấn đề này. 

*Xin ông cho biết trọng tâm và mục tiêu chính trong công tác CCHC năm 2013 trên địa bàn tỉnh?

- Đẩy mạnh CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá và là giải pháp chủ yếu tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế; trực tiếp phục vụ yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, năm 2013, tỉnh tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh tập trung nâng cao năng lực giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban, ngành, UBND các cấp; nhân rộng và tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình một cửa liên thông hiện đại. Đồng thời, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm trên 50% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện qua mạng điện tử. Các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, có từ 3 đến 5 dịch vụ công trực truyến ở mức độ 3 trở lên và chuẩn bị điều kiện để có ít nhất 1 dịch vụ công trực truyến ở mức độ 4; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và được cấp giấy chứng nhận.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện CCHC  tại Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện CCHC tại Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

*Mặc dù các TTHC đã giảm rất nhiều trong những năm qua nhưng người dân vẫn chưa thực sự hài lòng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề trên?

- Triển khai Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết các cấp được đơn giản hóa, niêm yết công khai, minh bạch, nhất là những TTHC liên quan đến các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, quản lý đô thị, xây dựng, du lịch, chế độ chính sách, y tế, giáo dục, lao động, bảo hiểm, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên người dân vẫn chưa thực sự hài lòng vì một số TTHC ở lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng còn rườm rà do cơ chế và chính sách chưa rõ ràng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục. Phòng làm việc của bộ phận một cửa ở một số cơ quan, đơn vị còn chật hẹp, chưa bảo đảm theo quy định, ảnh hưởng đến việc tiếp đón, giải quyết TTHC cho công dân. Việc niêm yết công khai TTHC tại bộ phận một cửa ở một số đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, khoa học, không thuận lợi trong quá trình tra cứu, tìm hiểu. Nhưng có thể nói, nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là thái độ, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, chưa thực sự quyết tâm thực hiện theo yêu cầu của công tác CCHC, cách nghĩ, cách làm chậm đổi mới. Thêm vào đó, công tác chỉ đạo thực hiện CCHC ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự kiên quyết, nhất quán, không thường xuyên, liên tục và thiếu tính đồng bộ; chưa có biện pháp, cơ chế tạo động lực và hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức; chưa xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, thực thi công việc kém hiệu quả.

*Trong nhóm các giải pháp đẩy mạnh thực hiện CCHC ông quan tâm đến giải pháp nào nhất?

- Trong 5 nhóm giải pháp: cải cách thể chế và cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính và công tác chỉ đạo điều hành, nội dung nào cũng quan trọng, cũng đặt mục tiêu phục vụ lợi ích của dân, nhưng theo tôi, giải pháp “con người” là quan trọng nhất. Bởi chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực thi việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành CCHC; rà soát, thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; truyền thông về quá trình CCHC cũng như thanh tra, kiểm tra các chỉ số CCHC (PAR Index) của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo Quyết định số 1102/QĐ-UBND ngày 6-9-2011 của UBND tỉnh. Chúng ta có đề ra nhiều giải pháp mà thực hiện không tốt thì không thể đạt hiệu quả được. Chính vì vậy, năm nay tỉnh sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực thi các TTHC đã được ban hành; tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực hiện CCHC trên 30% số sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp; chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tự kiểm tra CCHC tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời, tăng cường thanh tra công vụ và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước các cấp; xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan đối với công tác CCHC, gắn kết quả CCHC với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để hoàn thành tiến độ kế hoạch CCHC.

*Xin cảm ơn ông!           

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc