Tập trung nguồn lực giải quyết việc làm sau đào tạo
Qua đợt giám sát việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Đề án 1956), Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội (HĐDTQH) đánh giá, Dak Lak đang triển khai đúng các mục tiêu của đề án nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông GIÀNG A CHU, Phó Chủ tịch HĐDTQH, Trưởng Đoàn Giám sát.
Phó Chủ tịch HĐDTQH Giàng A Chu (người đứng) thăm học viên lớp Xây dựng dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana. |
* Kết thúc đợt giám sát, ông đánh giá như thế nào về kết quả triển khai Đề án 1956 tại tỉnh Dak Lak?
- Qua giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng ĐBDTTS tại tỉnh Dak Lak, cụ thể tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pak, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên và làm việc với UBND tỉnh Dak Lak, tôi nhận thấy các cấp chính quyền, địa phương, các sở, ngành của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực, bài bản công tác này. Ngoài việc ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch điều hành, triển khai thực hiện Đề án xuống tận cơ sở, các cấp, ngành của tỉnh đã linh hoạt xây dựng mạng lưới đào tạo nghề, ban hành danh mục nghề đào tạo, xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp với thực tế, sở trường, điều kiện của nông dân và thực tế địa phương như mô hình trồng nấm, sửa chữa xe gắn máy, chăn nuôi thú y, xây dựng dân dụng… Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Kết quả này cho thấy, Dak Lak đã và đang triển khai thực hiện đúng các mục tiêu của Đề án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 của tỉnh cũng còn những hạn chế.
* Vậy theo ông đâu là những mặt hạn chế cần lưu tâm hơn cả?
- Tuy việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng về tổng thể thì số lượng lao động đã được học nghề cũng như số được tạo việc làm sau đào tạo chưa nhiều. Phần lớn lao động DTTS chủ yếu học nghề sơ cấp, chưa tự tạo được việc làm mới sau học nghề hay chủ động ứng dụng nghề đã học vào thực tiễn sản xuất. Các cơ sở đào tạo nghề mới chỉ tập trung cung cấp cho người học những “kỹ năng cứng” thiên về kỹ thuật, còn các “kỹ năng mềm” như giao tiếp, tác phong, thái độ làm việc thì hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy mà nhiều lao động sau đào tạo đã được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng nhưng vì tâm lý không thích xa gia đình, buôn làng, thiếu tác phong công nghiệp nên chỉ sau vài tháng làm việc, các em lại bỏ về. Do vậy nếu tỉnh không xây dựng kế hoạch cụ thể, có sự quan tâm, ưu tiên hơn nữa đến đối tượng này thì sẽ khó đạt mục tiêu của Đề án.
*Thực tế cho thấy, các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện hiện nay đang thiếu cả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên chưa phát huy hết hiệu quả. Vậy giải pháp cần khắc phục tình trạng trên là gì?
- Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956 diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo: đối với cấp huyện chỉ nên có một trung tâm và sẽ có phương án sáp nhập các trung tâm. Chẳng hạn như, Trung tâm Giáo dục thường xuyên với Trung tâm Dạy nghề cấp huyện đều thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, do vậy khi sáp nhập lại sẽ có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giảm bớt việc phân tán nguồn lực. Trong thời gian tới, các Bộ chủ quản sẽ cùng thảo luận, xây dựng kế hoạch hợp nhất các trung tâm này.
* Để đạt được mục tiêu của Đề án, Dak Lak cần tập trung triển khai những nội dung gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Để đạt được mục tiêu của Đề án, tỉnh Dak Lak còn phải triển khai thực hiện nhiều việc. Trước hết, cần khảo sát nhu cầu thị trường lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể từng năm, từng giai đoạn gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mở rộng liên doanh, liên kết đào tạo nghề giữa địa phương với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp; tập trung nguồn lực giải quyết việc làm sau đào tạo; làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, xác định nghề đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường đào tạo theo hình thức tập trung, hạn chế các lớp đưa về thôn, buôn vì tuy các lớp này phù hợp với tâm lý của DTTS là không muốn đi xa nhưng lại không bảo đảm chất lượng, không rèn luyện được tác phong và khả năng thích ứng với nhiều môi trường làm việc khác nhau. Tỉnh nên quan tâm dành riêng một số lớp, một số mô hình cụ thể cho lao động DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hành bởi qua thực tế giám sát ở huyện Krông Pak và Krông Ana tôi thấy thực sự lo ngại vì các Trung tâm hầu như không có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng giảng dạy sẽ không bảo đảm chất lượng và sự chủ động về thời gian, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập của học viên thiếu thốn. Nhưng quan trọng hơn chính là sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc