Multimedia Đọc Báo in

Dân vận và tính chính đáng của quyền lực

09:15, 15/09/2013
Bất kỳ nhà nước nào để thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội đều phải thực thi quyền lực một cách có hiệu lực và hiệu quả. Muốn có được điều đó thì không thể không dựa vào dân, vì nhân dân mà phục vụ. Ở nước ta, ngay từ bản Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của chính thể dân chủ cộng hòa - đã ghi nhận: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (Điều thứ nhất). Một phần “Quyền bính” ấy được người dân trao cho người/ tổ chức đại diện hợp pháp của mình (dân chủ đại diện) và sẽ thực hiện quyền kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc thực thi. Một khi có hiện tượng lạm quyền, lộng quyền thì quyền lực ấy không được người dân thừa nhận, tự nó sẽ mất đi tính chính đáng và khó có lý do để tồn tại. Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản rằng, quyền lực “được người dân thừa nhận” là quyền lực có tính chính đáng và ngược lại.

Trong thời phong kiến, các bậc minh quân dù “vâng mệnh trời” “thế thiên hành đạo” cũng đều biết phải dựa vào dân để làm kế trị nước, bởi “đẩy thuyền là dân mà làm lật thuyền cũng là dân”. Nhận thức sâu sắc sức mạnh của dân, trong bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15 tháng 10 năm 1949, Hồ Chí Minh  (dưới bút danh  X.Y.Z) đã viết: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Quan trọng là như vậy nhưng không phải lúc nào và bất kỳ ở đâu cũng đều được người có trách nhiệm nhận thức và thực hiện triệt để.

Đánh giá về công tác dân vận trong thời gian qua, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ghi nhận là đã “đạt được những kết quả quan trọng” nhưng cũng “còn nhiều hạn chế, yếu kém” và coi đây như là một thách thức đối với đảng cầm quyền. Làm tốt công tác dân vận mục đích cũng  là để mở rộng dân chủ, “phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân”, tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, đặc biệt là quyền làm chủ trực tiếp. Một nhà nước dân chủ chính là nhà nước ở đó “nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”. Tăng cường và mở rộng dân chủ cũng chính là để đảm bảo tính chính đáng của quyền lực. Vấn đề đặt ra là thực thi dân chủ phải là lý tưởng, mục đich hướng tới chứ không phải phương tiện để duy trì quyền lực. Nếu coi “dân chủ” như là một phương tiện thì sớm muộn cũng làm mất lòng tin của người dân, tức là đánh mất cái “gốc của quyền lực”.

Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, các cơ quan công quyền thực thi quyền lực, thực hành dân chủ không thể tùy tiện mà phải dựa trên cơ sở của luật pháp, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Mục đích của công tác dân vận không gì khác hơn là củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện triệt để quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh “tất cả quyền bính là của nhân dân”. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo tính chính đáng của quyền lực và để duy trì quyền lực.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc