Multimedia Đọc Báo in

Khó kiểm soát thực phẩm chức năng

08:37, 20/08/2013

Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chủng loại. Điều này đã đặt ra cho ngành chức năng nhiệm vụ quan trọng là phải quản lý như thế nào để người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm TPCN đúng với giá trị và công dụng thực tế của nó. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về vấn đề này.

Bác sĩ Bùi Quang Lộc
Bác sĩ Bùi Quang Lộc

* Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về thị trường TPCN hiện nay?

Hiện nay, khi kinh tế càng phát triển thì chúng ta chuyển từ dạng ăn thô (số lượng) sang dạng ăn tinh (chất lượng) nên nhu cầu về TPCN khá phổ biến. Hơn nữa, thủ tục đăng ký giữa thuốc và TPCN có khác nhau, đối với thuốc rất chặt chẽ nhưng đối với TPCN thì có dễ dàng hơn. Rồi cách bán cũng khác nhau, thuốc được bán theo đơn bác sĩ còn TPCN thì không cần đơn. Do vậy, các công ty sản xuất có xu hướng chuyển những vitamin, khoáng hay những chất không bắt buộc thành TPCN để tránh được quy chế về kê đơn, tiêu thụ dễ hơn và tiêu thụ được số lượng lớn hơn. Đối với tỉnh Dak Lak, đến thời điểm này vẫn chưa có những thống kê đầy đủ về TPCN. Song, qua kiểm tra mới đây của chúng tôi tại một số cơ sở cho thấy TPCN được bán khá nhiều trong các hiệu thuốc.

* Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, công tác quản lý chất lượng VSATTP của ngành đối với mặt hàng này có đáp ứng được tình hình thực tế không, thưa bác sĩ?

Thực ra theo quy định về TPCN thì ở Trung ương do Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận công bố hoặc giấy xác nhận công bố TPCN (trước đây gọi là công bố chất lượng sản phẩm), còn với những đối tượng nhỏ lẻ thì do Chi cục ATVSTP các tỉnh, thành phố cấp. Có thể nói rằng, nếu thực hiện đúng các quy định này thì đây là cơ sở để quản lý về chất lượng và nếu đáp ứng theo các quy định này thì tương đối an toàn.

* Hiện nay, có tình trạng TPCN được quảng cáo cường điệu so với công dụng và hiệu quả thực tế, đồng thời giá bán của nó khi đến tay người tiêu dùng cũng bị đội lên quá cao so với giá trị thực ban đầu. Vậy ngành có cơ chế giám sát như thế nào về những vấn đề này, thưa bác sĩ?

Bản chất của kinh doanhTPCN là bán hàng đa cấp, mà đã là bán hàng đa cấp thì cơ chế quản lý cũng như cơ chế về giá rất khó kiểm soát. TPCN khác với thuốc ở chỗ thuốc bán ra được niêm yết theo giá thống nhất và được quản lý khá chặt chẽ, còn TPCN dù được bán trong hiệu thuốc thì vẫn là bán hàng đa cấp. Trên thực tế, chúng tôi có thể tập trung kiểm tra về chất lượng, chủng loại mặt hàng đó có đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật hay không còn quản lý về giá trong bán hàng đa cấp thì không giải quyết được. Đối với vấn đề quảng cáo, gần đây Bộ Y tế có ban hành Thông tư 08 / 2013 về quảng cáo các mặt hàng nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Y tế (theo Luật ATTP, hiện nay Bộ Y tế chỉ quản lý một số mặt hàng: TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai (bình), phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm), trong đó quy định về phân cấp, cấp giấy đăng ký quảng cáo. Theo đó, những mặt hàng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng phủ sóng trên phạm vi toàn quốc do Cục ATTP cấp giấy phép về quảng cáo. Những mặt hàng trong phạm vi của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chi cục ATVSTP cấp giấy tiếp nhận về quảng cáo. Nếu như các cơ quan thông tin đại chúng căn cứ vào giấy phép này cũng như những tài liệu kèm theo phải được đóng dấu của cơ quan cấp phép để thực hiện quảng cáo thì có lẽ sẽ không có tình trạng nói quá, thông tin sai sự thật. Nhưng trong một số trường hợp doanh nghiệp cũng có thể “lách luật” và các cơ quan quản lý về truyền thông cũng không chặt chẽ trong việc kiểm tra giữa giấy phép với nội dung đăng ký quảng cáo. Thành thử nhân đây, tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông nên căn cứ vào giấy phép của cơ quan thẩm quyền để quảng cáo, tránh hiểu nhầm, phiền hà, thậm chí là bất lợi cho người tiêu dùng.

Hiện nay, phần lớn TPCN vẫn được bán trong các nhà thuốc, quầy thuốc và đại lý thuốc. Ảnh minh họa: K.O
Hiện nay, phần lớn TPCN vẫn được bán trong các nhà thuốc, quầy thuốc và đại lý thuốc. Ảnh minh họa: K.O

Việc quản lý TPCN được thực hiện theo quy định của Nhà nước và theo Luật ATTP. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN phải có các thủ tục cần thiết. Thứ nhất là giấy phép kinh doanh phù hợp. Hiện nay thực phẩm được bán trong các quầy dược nhưng giấy phép kinh doanh của các nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý lại chưa phù hợp vì trên giấy phép chỉ ghi kinh doanh thuốc và vật tư y tế. Nếu nói rằng TPCN là một thực phẩm và được kinh doanh có điều kiện thì trong giấy phép chưa thể hiện vấn đề này. Qua đợt kiểm tra vừa rồi, chúng tôi có thể nhận xét hầu hết các cơ sở đều chưa có giấy phép phù hợp hay nói cách khác là các cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, trong đó đặc biệt là ngành nghề kinh doanh đã chưa bám sát Luật ATTP để cập nhật thông tin. Do đó, để giải quyết vấn đề này chúng tôi chỉ đặt vấn đề với cơ sở là phải liên hệ với nơi cấp phép để bổ sung ngành nghề kinh doanh cho phù hợp. Thứ hai là giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để kinh doanh về TPCN. Bộ Y tế đã thống nhất là những quầy thuốc, nhà thuốc, đại lý mà được cấp giấy chứng nhận GPP – nhà thuốc thực hành tốt thì không phải cấp giấy này, còn các cơ sở chưa đạt chuẩn GPP bắt buộc phải có. Yêu cầu thứ 3 là khám sức khỏe định kỳ. Đối với thuốc thì có thể khám sức khỏe một lần từ khi cấp giấy phép đến lúc đổi lại giấy phép mới cần khám lại, thường thì khoảng 3 năm, nhưng với thực phẩm thì định kỳ hằng năm phải khám sức khỏe. Do sự hiểu nhầm giữa TPCN và thuốc nên 100% nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý chưa chấp hành đúng quy định này. Thủ tục hành chính thứ 4 phải có là xác nhận tập huấn về VSATTP định kỳ hằng năm. Thông qua tập huấn xác nhận kiến thức bắt buộc sẽ giúp người trực tiếp sản xuất, kinh doanh TPCN hiểu rõ những quy định của pháp luật về thực phẩm khác với quy định về thuốc như thế nào.Trên thực tế, các cơ sở không đáp ứng được các thủ tục liên quan đến quản lý chất lượng, quản lý nguồn gốc xuất xứ. Theo luật, nếu hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không được phép lưu thông trên thị trường và là hàng cấm, mà đã là hàng cấm thì phải tịch thu, phải tiêu hủy và phải chịu hình thức xử phạt về hành chính.

* Trước thực trạng này, thời gian tới Chi cục sẽ có biện pháp gì để quản lý chặt chẽ hơn đối với TPCN?

Trước hết chúng tôi sẽ đề nghị với Sở Y tế - cấp quản lý nhà nước ở địa phương một số biện pháp. Thứ nhất là chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện theo các quy chế, nội quy, quy định của nhà nước về Luật ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các văn bản: Luật ATTP, Nghị định 38 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, Thông tư 15/2012, Thông tư 16/2012, Thông tư 19/2012 và Thông tư 26/2012 của Bộ Y tế quy định những vấn đề liên quan đến Luật ATTP mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chấp hành. Thứ hai là tăng cường công tác tập huấn. Thứ ba là đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp chấn chỉnh quảng cáo "nói quá" trên các phương tiện truyền thông để người dân hiểu đúng về TPCN, đó là TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không có tác dụng quyết định chữa bệnh, bởi vậy không phải dùng như thuốc uống vào là khỏi bệnh ngay và dùng từng đợt, hết bệnh thì không dùng nữa, mà phải sử dụng thường xuyên, liên tục, dùng suốt đời. Trong khi đó, với thực tế giá của TPCN rất đắt , nếu chúng ta dùng cách quãng thì không hiệu quả , dùng thường xuyên thì khá tốn kém mà cũng chưa chắc đạt  hiệu quả như mong muốn.

*Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc