Multimedia Đọc Báo in

Triển khai tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem: Làm đến đâu chắc đến đó

15:49, 14/11/2013

Tháng 11 là thời điểm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sẽ được tiêm trở lại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên diện rộng. Đến thời điểm này, tại Dak Lak, công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ năng tiêm chủng an toàn cho các điểm tiêm chủng cũng đã gần như hoàn tất, sẵn sàng cho lịch tiêm chủng vắc xin Quinvaxem. Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Minh Toàn xoay quanh nội dung này.

* Bác sĩ có thể cho biết thời điểm nào tỉnh ta triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem?

Bộ Y tế đã có chỉ đạo bắt đầu từ tháng 11 sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trở lại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ.  Tại Dak Lak, chúng tôi đã có chỉ đạo cho các địa phương chỗ nào đủ điều kiện về tiêm chủng thì triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem, chỗ nào thiếu cái gì thì báo cáo ngay để chúng tôi kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí sắm trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng kịp thời. Tuy nhiên, kết quả qua thanh tra, kiểm tra của ngành Y tế tại 222 điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ điểm tiêm chủng đủ điều kiện về tiêm chủng theo quy định đạt trên 99%. Dự kiến các điểm tiêm không đáp ứng đủ điều kiện về diện tích phòng ốc sẽ được trang bị nhà tạm bằng vật liệu nhẹ để có nơi cho trẻ ngồi chờ, tránh chuyện phụ huynh bế trẻ đến bị nắng, mưa ảnh hưởng đến sức khỏe.

* Như vậy có nghĩa là các điểm tiêm ngoài trạm sẽ được củng cố, thưa bác sĩ?

Các điểm tiêm được hỗ trợ thêm nhà tạm đề cập ở đây là các trạm y  tế. Đối với các điểm tiêm ngoài trạm, chúng tôi đã thống nhất quan điểm không tổ chức tiêm nữa, trong trường hợp thật đặc biệt thì mới có chỉ đạo riêng. Việc tiêm chủng cho trẻ tại các địa phương được thực hiện ở trạm y tế và các bệnh viện có đủ trang thiết bị và đặc biệt là có chuyên môn được đào tạo, tập huấn theo quy định. Chúng ta phải chấp nhận tốc độ tiêm chủng, độ bao phủ có thể giảm nhưng làm tới đâu chắc tới đó, không để sơ xuất xảy ra, vì theo đánh giá chung của toàn quốc, sai sót xảy ra chủ yếu là do các quy trình, kỹ thuật tiêm chủng không được thực hiện tốt. Trong dịp này chúng tôi đã tập huấn, quán triệt mạnh mẽ hơn, tạo tâm lý cho anh em mạnh dạn tiêm chủng vì đó là quyền lợi của trẻ em được phòng ngừa bệnh tật.

Hiện nay, 100% số điểm tiêm chủng đều có dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin.
Hiện nay, 100% số điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đều có dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin.

* Trong đợt kiểm tra vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua nổi lên vấn đề là phần lớn cán bộ y tế ở các điểm tiêm chủng đều chưa có giấy chứng nhận tập huấn tiêm chủng an toàn hoặc có thì cũng đã hết hạn (quá 36 tháng). Vậy, ngành đã xử lý vấn đề này như thế nào, thưa bác sĩ?

Giấy chứng nhận tập huấn an toàn tiêm chủng là điều kiện bắt buộc phải có đối với cán bộ làm công tác tiêm chủng, nếu thiếu phải tập trung làm ngay. Về vấn đề này, Sở đã có chủ trương giao cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thống kê và có phương án tổ chức tập huấn kịp thời. Mặc dù thời gian từ nay đến lúc triển khai tiêm chủng vắc xin Quinvaxem không còn dài, nhưng quyết tâm là làm được, bởi đây là vấn đề không quá khó.

* Hiện nay, nhiều bậc huynh vẫn còn phân vân, lo lắng trước việc có nên cho con tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, bởi từ khi vắc xin này được tiêm trở lại tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã ghi nhận một số trường hợp trẻ có phản ứng mạnh. Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân trước vấn đề này?

Việc có tai biến, phản ứng xảy ra sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở một số địa phương thì chúng tôi đã được Bộ Y tế lưu ý, đánh giá và trả lời dư luận. Nhưng điều quan trọng vắc xin được khẳng định là an toàn thì chúng ta cứ mạnh dạn để tiêm vì đó là quyền lợi được phòng ngừa bệnh tật của trẻ em. Các bà mẹ, các quản lý trẻ phải nhận thức đầy đủ về vấn đề này để phối hợp với ngành y tế trong công tác tiêm chủng. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, khi đưa trẻ đi tiêm chủng cha mẹ, người thân cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng của trẻ để cán bộ y tế kịp thời phát hiện các tình huống chống chỉ định hoặc tạm thời ngưng tiêm. Ngoài ra, sau khi tiêm, cần theo dõi trẻ chặt chẽ, nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc