Multimedia Đọc Báo in

Nộp phí bảo trì đường bộ là nghĩa vụ của chủ phương tiện

15:20, 20/09/2013

Việc triển khai thu và nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện giao thông (còn gọi là phí bảo trì đường bộ) đang là vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN CÔNG XUÂN, Trưởng Phòng Giao thông - Sở Giao thông vận tải tỉnh.

Thưa ông, Thực hiện Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện, đến nay tỉnh ta đã triển khai như thế nào? Đâu là khó khăn vướng mắc?

Hiện nay, việc thu - nộp phí sử dụng đường bộ đang được các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã tích cực triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Riêng đối với phương tiện xe ô tô thì đã triển khai thu phí từ trước đó, nên việc thực hiện khá đầy đủ và chặt chẽ. Thông qua các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, phí đường bộ sẽ được thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Còn về các loại xe mô tô, xe gắn máy (trừ xe đạp điện) có đăng ký biển kiểm soát trong tỉnh hoặc mang biển kiểm soát ngoại tỉnh đang hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại Dak Lak thì UBND tỉnh đã có Công văn hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, giao về cho các địa phương cấp huyện, xã, phường để triển khai việc thu và quản lý phí đường bộ hiệu quả. Vì vậy, chủ sở hữu các phương tiện trên có thể nộp phí đường bộ trực tiếp tại UBND các phường, xã trong tỉnh (thời gian áp dụng thu phí tỉnh từ ngày 1-1-2013) và nhận biên lai thu phí đầy đủ (biên lai do Cục Thuế tỉnh phát hành).

Việc thu phí theo đầu phương tiện sẽ bổ sung nguồn kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ hằng năm.
Việc thu phí theo đầu phương tiện sẽ bổ sung nguồn kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ hằng năm.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên thực hiện thu phí đường bộ theo đầu phương tiện nên các địa phương còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đó là việc triển khai thu phí đối với xe mô tô nói chung còn khá chậm, nhiều địa phương còn bỡ ngỡ trong công tác thu, nộp phí đường bộ. Nguyên nhân là do nhiều xã, phường chưa triển khai kịp thời việc thành lập các đội, điểm thu phí; người dân vẫn chưa tiếp cận và nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc thu nộp phí theo quy định của Nhà nước để thực hiện hiệu quả, nhất là đối với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là việc quản lý, sử dụng phí đường bộ trong tỉnh được triển khai như thế nào khi mà chất lượng nhiều tuyến đường ở Dak Lak tỉnh vẫn đang bị xuống cấp trầm trọng, chưa được tu sửa kiên cố?

Việc dư luận quan tâm là đúng, vì hiện nay hạ tầng nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh đã và đang bị xuống cấp khá trầm trọng, kể cả quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Trong những năm qua, nguồn vốn của Nhà nước dành cho công tác bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Do thiếu vốn nên ngành đường bộ tỉnh Dak Lak mới chỉ tập trung giải quyết một số công việc cấp bách, chưa làm đầy đủ hết các khối lượng công việc bảo dưỡng thường xuyên theo định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật; việc sửa chữa định kỳ (các cấp đường) cũng chưa tiến hành theo đúng kỳ hạn theo quy định; trong khi đó, lưu lượng phương tiện đường bộ ngày càng tăng cao và vẫn chưa có các giải pháp hữu hiệu hạn chế phương tiện giao thông gia tăng cũng như phương tiện chở quá tải trọng. Vì vậy, nhiều công trình cầu, đường bộ xuống cấp không đảm bảo an toàn giao thông, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư là điều khó tránh khỏi. Quy định thu phí quản lý đường bộ ra đời là chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, nhằm bổ sung nguồn vốn đầy đủ, ổn định và bền vững cho công tác bảo trì đường bộ địa phương.

Tuy nhiên hiện nay, do tỉnh ta chưa thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ nên việc thu phí này sẽ được nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước tại địa phương. Từ nay đến cuối năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh và các cấp địa phương thành lập sẽ chuyển số tiền trên qua quỹ (có khấu trừ lại cho các phường là 10% và xã là 20% tổng số thu được theo quy định của Nhà nước) để sử dụng một cách hiệu quả nhất cho công tác bảo trì các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh. Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương bao gồm: nguồn tiếp nhận kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương; nguồn ngân sách tỉnh bổ sung cho sự nghiệp giao thông; nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh và các nguồn thu huy động hợp pháp khác. Tất cả đều phải nộp vào tài khoản Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương do Chủ tịch Hội đồng Quỹ đường bộ tỉnh quản lý. Hằng năm căn cứ vào quy định của Nhà nước, Hội đồng quản lý Quỹ xây dựng kế hoạch, dự toán thu, chi của Quỹ theo quy định và trình UBND tỉnh quyết định. Hằng quý, căn cứ tiến độ thu của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ chuyển kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để triển khai việc duy tu, sửa chữa đường và thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ… Vì thế, nguồn phí trên sẽ được công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả, người nộp phí có thể hoàn toàn yên tâm thực hiện.

* Để triển khai việc thu và sử dụng phí đường bộ hiệu quả thì ngành GTVT tỉnh sẽ thực hiện những giải pháp gì trong thời gian sắp tới?

Hiện nay, Sở GTVT đã và đang rà soát lại toàn bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá lại cụ thể từng mức độ hư hỏng cũng như xuống cấp của các tuyến đường, qua đó, khi Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh và các địa phương ra đời thì sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cân đối 2 nguồn vốn trong Quỹ Bảo trì đường bộ của Trung ương và địa phương về cho các địa phương, thực hiện việc bảo trì đường bộ huyện, xã, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được ổn định và tốt hơn.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở GTVT sẽ chủ trì và tích cực phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến người dân các nội dung liên quan về phí sử dụng đường bộ đối với ô tô, mô tô, xe máy. Việc đóng phí không chỉ để mang lợi ích cho bản thân mình sử dụng, mà còn là đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung. Cơ quan chức năng thu phí là để đảm bảo lợi ích cho người dân khi tham gia giao thông thì người dân cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc đóng góp cho phí này.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thành (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc