Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng hệ thống y tế dự phòng của tỉnh: Phải thực hiện đồng loạt nhiều vấn đề

21:46, 19/10/2013

Hiện nay, hệ thống y tế dự phòng (YTDP) của tỉnh ta đang hoạt động trong tình trạng thiếu thốn cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị lẫn kinh phí nên rất khó có thể đáp ứng được kế hoạch lâu dài mang tính chiến lược. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng hệ thống YTDP đang là đòi hỏi cấp thiết. Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xoay quanh nội dung này.

* Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về mạng lưới YTDP của tỉnh ta hiện nay?

Mạng lưới YTDP của tỉnh ta hiện nay gồm 1 đơn vị tuyến tỉnh là Trung tâm YTDP tỉnh và 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Dưới cấp huyện còn có 184 trạm y tế xã, phường tham gia vào những hoạt động của YTDP bao gồm: phòng chống dịch bệnh và các bệnh không truyền nhiễm như bệnh nội tiết, chuyển hóa, cao huyết áp… Hệ thống YTDP của chúng ta hoạt động theo ngành dọc và chịu sự chỉ đạo chuyên môn từ Cục YTDP đến Trung tâm YTDP tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và cuối cùng là các trạm y tế. Bộ khung là như vậy, nhưng nhìn vào chiều sâu mạng lưới YTDP của tỉnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 50% trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố có được cơ sở hạ tầng và ở đây tôi mới chỉ đề cập đến là nhà cửa chứ chưa kể những thứ khác. Cơ sở hạ tầng của các đơn vị còn lại rất tạm bợ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thứ 2, đối với nguồn nhân lực, từ xưa chúng ta vẫn chưa đề cập đến việc đào tạo chuyên ngành YTDP nên hiện tại hệ thống YTDP của tỉnh, nhất là tuyến huyện đội ngũ nhân lực rất yếu. Mỗi trung tâm y tế huyện hiện chỉ có từ 3-4 bác sĩ, số lượng này mới chỉ đáp ứng được những việc thuộc nhiệm vụ cấp bách còn về chiến lược lâu dài thì chưa đáp ứng được. Vấn đề thứ 3 là kinh phí hoạt động. Thực ra những năm gần đây chúng ta đã có chủ trương chuyển 30% kinh phí cho hoạt động YTDP, song ngay cả với mức đầu tư ấy cũng rất khó hoạt động.

Cán bộ y tế dự phòng phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt  xuất huyết tại một khu dân cư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ y tế dự phòng phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại một khu dân cư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

* Rõ ràng YTDP có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những kế hoạch dự phòng nhằm thay đổi yếu tố lây lan bệnh. Vậy, với nguồn lực chúng ta đang có có đáp ứng được nhiệm vụ đề ra đối với ngành không, thưa bác sĩ?

Đối với các nhiệm vụ trước mắt thì có thể đáp ứng được, nhưng nếu chúng ta xây dựng kế hoạch tổng thể về lâu dài, mang tính chiến lược rõ ràng là rất khó khăn. Thực tế lâu  nay, chúng ta thường lấy các bác sĩ đa khoa đi đào tạo thêm về dự phòng rồi đưa về làm cho nên bản chất của anh em vẫn là các bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi chứ không phải là bác sĩ dự phòng nên họ làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích lũy sau 20-30 năm công tác. Tuy nhiên, ở lứa tuổi ấy thì việc trau dồi kiến thức đã có phần hạn chế, do đó nếu đáp ứng về mặt chiến lược có tầm nhìn xa rõ ràng đây là vấn đề cần phải tháo gỡ. Một vấn đề khác tôi muốn đề cập đến là đầu tư. Người ta vẫn nói rằng đầu tư cho hoạt động YTDP một thì chúng ta sẽ có lãi gấp ba lần, nhưng trên thực tế chúng ta không có đủ kinh phí để bỏ ra nên thường đầu tư “nhỏ giọt”, mà đã đầu tư nhỏ giọt thì không có chiều sâu. Chính vì vậy, với sự đầu tư của chúng ta hiện nay khi có dịch xảy ra thì chống dịch rất tốt, nhưng dự báo dịch cũng như phòng dịch lại chưa tốt.

*Vậy theo bác sĩ, để cải thiện chất lượng hoạt động của mạng lưới YTDP tỉnh  điều gì là quan trọng nhất?

Theo tôi để cải thiện chất lượng phải có đồng loạt các vấn đề, chứ nếu chỉ thực hiện riêng lẻ từng vấn đề thì không giải quyết được. Vấn đề thứ nhất phải nói đến là nguồn nhân lực, chúng ta phải đào tạo được nguồn nhân lực YTDP chuyên sâu. Vấn đề thứ hai là phải có kinh phí cho các hoạt động, trong đó phải có cả nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu. Tôi nói như vậy là bởi hiện nay chúng ta có rất nhiều mặt bệnh nhưng lại chưa có nghiên cứu, thống kê nào cụ thể, trong khi thực tiễn lại đòi hỏi phải có nghiên cứu sâu để đưa ra chiến lược, tình hình diễn biến của từng loại bệnh, chu kỳ của nó thế nào từ đó mới có cách phòng chống. Rồi chúng ta phải có kinh phí cho các hoạt động hàng ngày như giám sát, điều tra, phòng và chống dịch.Thứ 3 nữa là phải có sự tham gia của cộng đồng, mà nói đến sự tham gia của cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống truyền thông thật tốt và truyền thông thế nào để có được một cộng đồng tham gia tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh. Và vấn đề cuối cùng là yêu cầu về cơ sở hạ tầng phải đảm bảo chỉnh chu, đủ sức để gánh vác nhiệm vụ.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc