Phòng chống dịch bệnh sởi: Dak Lak là vùng có nguy cơ bùng phát cao, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin
Dịch bệnh sởi đã bùng phát ở một số địa phương trên cả nước. Cục Y tế dự phòng đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, xung quanh nội dung này.
* Thưa bác sĩ, hiện nay bệnh sởi đã bùng phát ở một số tỉnh, thành trên cả nước. Qua theo dõi tình hình trên địa bàn, bác sĩ có nhận định như thế nào về loại bệnh này ở Dak Lak?
Bác sĩ Phạm Văn Lào |
- Đến thời điểm này, tại Dak Lak chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh sởi, tuy nhiên nguy cơ bệnh bùng phát ở tỉnh ta lại rất cao. Nguy cơ cao được thể hiện ở nhiều yếu tố. Thứ nhất, năm 2013, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em dưới 1 tuổi ở tỉnh ta chỉ đạt 83%, như vậy là có 17% số trẻ không được bảo vệ, phòng bệnh bằng vắc-xin và số trẻ này lại chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, nguy cơ mắc bệnh rất lớn. Thứ hai, hiện nay một số tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc đã có dịch sởi, trong khi đó Dak Lak lại là nơi có khá nhiều người dân từ khu vực này di cư vào làm ăn, sinh sống nên khó tránh khỏi việc người dân di cư cũng sẽ mang mầm bệnh vào theo. Thứ ba, một số người dân trên địa bàn còn chủ quan, chưa chú ý đến việc vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ. Tiếp đó yếu tố thời tiết, hiện đang là mùa đông – xuân, mùa thuận lợi để bệnh sởi phát triển.
* Vậy ngành Y tế tỉnh đã có sự chủ động để ứng phó với dịch bệnh này như thế nào, thưa bác sĩ?
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế, hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai các biện pháp dự phòng bệnh sởi trên địa bàn. Một số biện pháp chính đang được tiến hành đó là tuyên truyền rộng rãi cho người dân về tác hại của bệnh sởi và cách phòng bệnh. Trong quá trình tuyên truyền chúng tôi luôn nhấn mạnh với người dân cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin sởi, tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng thêm các điểm tiêm phòng để tịnh tiến gần dân hơn. Việc làm này xuất phát từ thực tế là tại một số xã vùng sâu vùng xa, người dân phải đi cả 10 km mới đến được điểm tiêm chủng, điều đó khiến nhiều gia đình ngại đưa trẻ đi tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng này phải bảo đảm được các điều kiện về an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi còn tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ y tế về giám sát dịch, đặc biệt là một số dịch quan trọng như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, sởi, bại liệt… Có thể nói, toàn tỉnh hiện đang có hệ thống theo dõi, giám sát dịch chặt chẽ, tất cả những điểm “nguy cơ cao” đều được theo dõi rất sát. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh chúng tôi sẽ thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly, đồng thời tiến hành tiêm phòng luôn.
* Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Còn khi trẻ mắc bệnh rồi thì các bậc cha mẹ cần làm gì, thưa bác sĩ?
- Khi trẻ mắc bệnh cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc . Cách phát hiện trẻ mắc bệnh không khó, có thể nhận biết qua các triệu chứng cơ bản như: trẻ bị sốt, ho, mắt đỏ, có dấu hiệu ban, nhất là ban dạng sởi. Trong trường hợp nhà hàng xóm có người bị sởi cùng với phát hiện những triệu chứng như trên ở trẻ nhỏ thì phải nghĩ ngay đến việc trẻ nhà mình bị sởi, bởi nếu trẻ không được miễn dịch thì trên 90% là sẽ lây bệnh. Có một điều cũng cần phải chú ý, lâu nay nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm là khi trẻ bị sởi phải kiêng tắm, kiêng ra gió. Trên thực tế, khi trẻ bị sởi nên ở chỗ thoáng và tắm bằng nước đun sôi để ấm, có thể pha thêm một chút muối để trẻ không bị kích ứng; phải đặc biệt lưu ý các biến chứng của bệnh sởi. Các biến chứng nguy hiểm thường gặp và hay gây tử vong nhất là tiêu chảy, viêm phổi, nhất là viêm phổi do tụ cầu trùng, viêm tai, viêm giác mạc, viêm chân răng và có thể viêm hàm, viêm não do vi-rút…
* Cùng với những biện pháp dự phòng của ngành Y tế, bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng và chốngbệnh sởi?
- Cả về mặt cơ sở khoa học lẫn thực tiễn, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh là phải tiêm phòng cho trẻ. Có 2 mũi tiêm, mũi đầu tiên tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin này sẽ bảo đảm từ 93-97% trẻ không bị mắc bệnh. Thế nhưng, hiện nay đang có vấn đề đặt ra là năm 2013 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi chỉ đạt 83%, tức là có một số trẻ chưa tiêm vắc-xin sởi. Với những trẻ đó, chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ đến điểm tiêm, mặc dù có thể chậm nhưng vẫn tốt hơn là không được tiêm.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Kim Oanh – Đàm Thuần (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc