Multimedia Đọc Báo in

Thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm: Kiên quyết không cho lưu hành những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn

11:42, 24/01/2014

Để người tiêu dùng có thể lựa chọn và sử dụng những thực phẩm bảo đảm an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) đang được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm. Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi nhanh với ông NGUYỄN VĂN NHIÊN, Trưởng Phòng Thanh tra, Cục ATTP (Bộ Y tế), Phó Trưởng Đoàn thanh tra liên ngành số 9 của Trung ương khi Đoàn đến thanh tra, kiểm tra tại tỉnh.

°Thưa ông, để có một thị trường thực phẩm bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, Bộ Y tế đã triển khai những hoạt động gì?

- Ngay từ đầu tháng 12-2013, Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP; ban hành kế hoạch về việc tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tiến hành liên tục từ giữa tháng 12-2013 đến sau Tết Nguyên đán (khoảng cuối tháng 2-2014). Theo đó, ở Trung ương, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan thành lập 9 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm, trong đó có Dak Lak. Còn ở địa phương, đến thời điểm này, tất cả 63 tỉnh, thành phố cũng đã triển khai thanh tra, kiểm tra kết hợp với tăng cường cung cấp thông tin giáo dục truyền thông về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Gần đây nhất, trong buổi giao ban trực tuyến về công tác ATTP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các ngành chức năng phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, phải đặt công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết; đồng thời cũng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã yêu cầu tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết không cho lưu hành những sản phẩm không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố tình vi phạm hoặc các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm sẽ phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tẩy chay các sản phẩm không đạt điều kiện về VSATTP.

Ông Nguyễn Văn Nhiên (người thứ 3 từ phải sang) tham gia kiểm tra ATTP tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm  trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhiên (người thứ 3 từ phải sang) tham gia kiểm tra ATTP tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

° Công tác thanh tra, kiểm tra của năm 2014 này có điểm gì mới so với năm 2013, thưa ông?

- Thứ nhất là công tác thông tin giáo dục truyền thông, thanh tra, kiểm tra không chỉ thực hiện trong dịp lễ tết mà triển khai liên tục trong cả năm, trong đó chú trọng vào một số chiến dịch như: Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP, Tết Trung thu… Thứ hai là mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm được nâng lên để kiên quyết đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm. Ngày 14-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178 quy định xử phạt hành chính về ATTP. Theo đó, một số hành vi vi phạm nghiêm trọng như sử dụng phụ gia thực phẩm có chứa chất độc hại hay dùng nguyên liệu không phải dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm có thể bị áp dụng mức phạt gấp 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Điều này có nghĩa là số tiền xử phạt vi phạm ATTP có thể lên tới hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa tùy vào số lượng và giá trị hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quy định một số chức danh mới có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như: công chức được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, trưởng đoàn thanh tra liên ngành cấp sở, cấp bộ, thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành...

 Như vậy, với các biện pháp đồng bộ bao gồm cả thông tin giáo dục truyền thông lẫn thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các biện pháp khác vẫn làm lâu nay (kiện toàn hệ thống văn bản, nâng cao năng lực kiểm nghiệm, quản lý…), hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất chúng ta sẽ có được thị trường thực phẩm bảo đảm an toàn cho việc tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

° Trong thời gian đoàn thanh tra, kiểm tra tại Dak Lak, ông có đánh giá như thế nào về công tác bảo đảm ATTP của tỉnh?

Qua những buổi làm việc ban đầu, chúng tôi ghi nhận UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã có sự chỉ đạo kịp thời đối với công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Y tế, Chi cục ATTP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác bảo đảm ATTP; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

° Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện) 


Ý kiến bạn đọc