Multimedia Đọc Báo in

Cây xanh cũng làm thương hiệu

15:35, 24/06/2021

 1. Hà Nội ngàn năm văn hiến được kiến tạo từ nhiều tầng sâu văn hoá và bề dày lịch sử. Và trong từng lát cắt về mảnh đất Hà thành này, có những thứ tưởng chừng quá đỗi bình dị nhưng tự khi nào đã dệt thêu thêm những nét đặc trưng và tạo dựng thương hiệu cho thủ đô yêu dấu. Đó không chỉ là phở, là cốm làng Vòng, ấy còn là cây xanh. Nhắc đến hoa sữa, người ta nghĩ ngay đến Hà Nội. Hoa sữa dịu dàng, nồng nàn trong những nhạc phẩm về Hà Nội của các nhạc sĩ Hồng Đăng, Phú Quang… Những hàng sấu cổ thụ như bảo tàng về thời gian trên phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng; cây bàng lá đỏ, cây cơm nguội vàng cũng đi vào thi ca và làm nên chất riêng của Hà Nội.

2. Tháng 2, tháng 3 hằng năm là thời điểm rực rỡ nhất của hoa ban. Ấy cũng là lúc tôi nhận được lời mời của cô bạn cùng thời đại học: Lên Điện Biên du lễ hội hoa ban. Theo lời giới thiệu của bạn thì đến nay tỉnh Điện Biên đã trồng được 8.000 cây hoa ban. Điện Biên đã có chủ trương phát động phong trào trồng cây hoa ban gắn với việc tổ chức lễ hội hoa ban hằng năm để tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng Tây Bắc này, từng bước khai thác tiềm năng du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

 

Hoa ban nở khắp bản làng Tây Bắc.
Hoa ban nở khắp bản làng Tây Bắc. Ảnh: X.Toại

 

3. Thành phố hoa phượng đỏ, chỉ cần nhắc vậy bạn cũng đã biết đang nói đến thành phố nào. Sắc đỏ rực rỡ, cháy hết mình mỗi độ hè về của phượng dường như đã nói lên phần nào những tiềm năng, sự nhiệt tình, hiếu khách, năng động, sáng tạo của đất và người Hải Phòng. Hoa phượng đã đi vào đời sống kinh tế, văn hóa của thành phố cảng sôi động này với dấu mốc năm 2012, Lễ hội hoa phượng đỏ với chủ đề "Lung linh sắc đỏ Hải Phòng" lần đầu được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh thành phố và du lịch Hải Phòng. Đây cũng là bước khởi động, đánh dấu việc Lễ hội hoa phượng đỏ sẽ trở thành sự kiện thường niên của thành phố.

4. Một lần trở về sau chuyến du lịch, anh bạn đồng nghiệp của tôi cứ tấm tắc, ấn tượng về Vũng Tàu không chỉ có biển đẹp, hải sản tươi ngon, mà còn có những con đường với sắc màu của hoa giấy. Quả thật, mục sở thị những điều đồng nghiệp nói, ngoài tên gọi thành phố biển, du khách khi đến đây được tận hưởng rất nhiều những mảng không gian xanh giữa lòng đô thị. Đặc biệt, mới đây UBND TP. Vũng Tàu đã phê duyệt đề án phát triển cây xanh đô thị tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là một trong những bước đệm quan trọng trong chiến lược xây dựng Vũng Tàu gắn liền với thương hiệu “đô thị xanh”.

Hương sắc cà phê. Ảnh: Hữu Nguyên
Hương sắc cà phê. Ảnh: Hữu Nguyên

5. Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền. Đó là mục tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh tiêu chí về phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan, việc quy hoạch, lựa chọn loại cây xanh để tạo điểm nhấn, bản sắc riêng cho đô thị, góp phần đa dạng, phong phú thêm bức tranh du lịch rõ ràng là bài toán rất cần được các địa phương tính toán, cân nhắc. Không chỉ dừng lại ở việc tạo bóng mát, bảo vệ môi trường, cây xanh cũng đã và đang góp phần làm nên thương hiệu, đa dạng thêm bức tranh du lịch, là dấu hiệu nhận diện, gọi tên của mỗi vùng đất.  .

Thuận Thành

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.