Multimedia Đọc Báo in

Cần lập lại trật tự cảnh quan đô thị ở thị trấn Ea Súp

17:42, 16/07/2010
Mặc dù những năm gần đây, bộ mặt thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) đã đổi thay rất nhiều, khang trang và đẹp đẽ hơn song trật tự cảnh quan đô thị vẫn còn nhiều điều đáng nói…
 
Con đường qua trung tâm thị trấn được xây dựng, nâng cấp kiên cố hơn, vỉa hè cũng đã được tôn tạo, lát gạch rất đẹp nhưng mặt đường lúc nào cũng bẩn. Mặt đường đoạn từ cầu Sắt đến ngã tư trung tâm luôn phủ một lớp đất cát dày do các xe tải chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi hoặc từ bánh các loại xe đi từ đường đất vào trung tâm rơi ra. Vì thế, mặc dù đường đã được trải nhựa mà vẫn xảy ra tình trạng trời nắng thì bụi mù còn trời mưa thì lầy lội nhớp nhúa. Bên cạnh đó, vỉa hè ngay trước cổng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc luôn có mấy chiếc xe tải của Công ty TNHH Tuyết Thống leo lên đậu khiến mỗi lần xe nổ máy khởi động, tiếng nổ ầm ầm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của học sinh. Đoàn xe đậu chiếm toàn bộ vỉa hè khu vực này cũng gây khó khăn cho người đi bộ. Chưa hết, hiện tượng từng đàn trâu bò thả rông “diễu hành” trên phố, gây cản trở giao thông vẫn diễn ra nhiều năm nay. Những đàn trâu bò cứ dàn hàng đi lại, dạo quanh trước cổng chợ, có khi lại nằm khoan thai nhai lại cỏ ngay giữa ngã tư thị trấn. Có lần, nhân Tháng An toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông huyện ra quân thu gom bò về trụ sở công an huyện tạm giữ và thông báo cho chủ bò đến nhận. Thế nhưng sau đó, tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Một điều đáng nói nữa là rác thải ngổn ngang, gây ô nhiễm cả khu vực chợ huyện cũng tồn tại nhiều năm nay mà chưa được xử lý. Bên cạnh đó, trên cổng chào thôn văn hóa như thôn 2 (đường Điện Biên Phủ), cổng chào trên đường Nguyễn Du, toàn bộ cờ Tổ quốc và các cờ phướn khác chỉ còn trơ cán nhiều tháng nay mà vẫn không thấy ai thay.
 
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Ea Súp cần có biện pháp kiên quyết để lập lại trật tự cảnh quan ở thị trấn.
Đặng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.