Multimedia Đọc Báo in

Hàng chục hộ dân ở khối 11, phường Tân An thấp thỏm nỗi lo mỗi khi trời mưa

15:15, 23/07/2010
Hàng chục hộ dân trú tại tổ dân phố 3, khối 11, phường Tân An (TP.  Buôn Ma Thuột) hiện đang sống trong tâm trạng phập phồng lo âu mỗi khi trời đổ mưa. Trước đó (chiều 17-7) một cơn mưa lớn kéo dài nước dồn nước đổ vào nhiều nhà dân, không những làm thiệt hại tài sản mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của họ.
Đã hai ngày sau khi con nước rút đi, nhưng ông Nguyễn Anh vẫn còn thẫn thờ đi lại trong căn nhà nặng mùi ẩm thấp, xung quanh bề bộn đồ đạc vỡ nát. Ông thảng thốt kể lại: Khoảng 18 giờ 30, chỉ nửa giờ đồng hồ sau khi mưa trong lúc cả nhà đang ăn tối thì nước bất ngờ ầm ầm đổ ập vào nhà, dâng lên đến 1 mét, cuốn phăng mọi vật dụng. Không một ai trong gia đình kịp trở tay. Đứa con gái học lớp 11 tiếc chiếc máy tính để bàn, nấn ná ở lại phòng sau cố đưa lên chỗ cao thì suýt chút nữa bị nước cuốn ra sau, nếu ông không cố hết sức chống chọi lại dòng nước, kéo giữ con. Áp lực của dòng nước làm bức tường xây cao hơn 2 mét phía sau vườn bị sụp đổ hoàn toàn. Mọi vật dụng trong gia đình từ máy giặt, tủ lạnh, bàn ghế đều bị nước đẩy trôi lềnh bềnh. Cả nhà ông phải chất ghế, đứng lên cao, dựa vào bức tường của phòng trước để khỏi bị nước cuốn đi. Gần nữa giờ đồng hồ sau, nước mới dần dần rút đi, để lại ngổn ngang mọi thứ vật dụng và rác rưởi khắp nhà, vườn.
Dàn máy tính, sách vở học tập của con ông Nguyễn Anh còn bám đầy bùn đất khi nước rút đi.
Dàn máy tính, sách vở học tập của con ông Nguyễn Anh còn bám đầy bùn đất khi nước rút đi.
Cách đó vài căn cả gia đình chị Phạm Thị Hồng Hạnh vẫn đang tất bật dọn dẹp, xúc hàng khối đất, rác bị tràn vô nhà, có nơi dày đến hơn 20 cm. Chỉ bức tường bị dòng nước đẩy đổ hoàn toàn, để lại một lỗ trống toang hoác, là nơi tất cả lượng nước đổ ập vào nhà, anh Lượng, chồng chị bàng hoàng thuật lại: “Khi ấy cả nhà đang ngồi coi ti vi. Thấy mưa lớn tôi ra phía sau kiểm tra, nhưng chỉ mới mở cánh cửa thì dòng nước ập đổ vào, đẩy ngã bức tường cùng hai cánh cửa lên xuống. Tôi chỉ kịp nhảy lên một chiếc thùng phuy đứng và báo động cho mọi người phía trước. Dòng nước như một con suối chảy ầm ầm cuốn phăng mọi thứ. Toàn bộ đồ đạc trong nhà đều bị trôi tít ra phía ngoài xa. Hai chiếc xe máy thì một chiếc bị cuốn trôi ra đường, một chiếc bị va đập hư hỏng nặng. May mắn là cả nhà không ai bị thương tích nặng, chỉ có đứa con thứ hai là Nguyễn Thị Kiều Linh bị cánh cửa trôi va vào chân do đang cố bảo vệ đứa em út”. Gương mặt ũ rũ, chị Phạm Thị Hồng Hạnh đưa mắt nhìn ngôi nhà xót xa: Không có vật dụng gì trong nhà còn nguyên vẹn được. Đến áo quần cũng bị trôi hết. Gia đình chị là hộ nghèo, cả nhà 6 nhân khẩu chỉ trông chờ vào công việc buôn bán, làm thuê của 2 vợ chồng.
Bức tường sau của nhà chị Phạm Thị Hồng Hạnh  bị nước làm đổ sập hoàn toàn.
Bức tường sau của nhà chị Phạm Thị Hồng Hạnh bị nước làm đổ sập hoàn toàn.
Còn tại quán cắt tóc Thu Thủy đầu mặt đường, dấu vết của đợt ngập vẫn nguyên vẹn. Trước mặt quán là một “núi” bùn, rác chất đống ngổn ngang. Chị cho biết chị đã phải thuê 2 nhân công dọn dẹp một ngày mới xúc hết đống đất, đá ra ngoài. Toàn bộ dụng cụ làm nghề - tài sản quý nhất của chị đều bị nước cuốn trôi. “Sống ở đây nhiều năm, nhưng chưa bao giờ tôi phải đối mặt với mực nước lớn như vậy. Dòng nước đột ngột đổ về giống lũ cuốn trôi đi tất cả. May mắn là lúc đó đứa con nhỏ của tôi đã đi chơi, nếu không thì không biết chuyện gì xảy ra”. Cách đó không xa, bức tường dài hàng chục mét của Công ty Cao su 30-4 cũng bị dòng nước đẩy ngã nằm chỏng chơ.
Theo phản ánh của các hộ dân đã sinh sống từ lâu ở địa phương này thì tình trạng trên chỉ xảy ra thời gian gần đây. “Trước kia khi chưa làm tuyến đường tránh nối với đường Phan Chu Trinh, mỗi khi trời mưa lớn, liên tục thì nước cũng có dâng lên nhưng chưa bao giờ chạm đến cửa nhà dân, chứ đừng nói là dâng cao hàng mét và hung hãn như một con lũ quét như vậy”- ông Nguyễn Anh nói. Theo nhận định của họ, có thể là do sau khi làm đường tránh, đường thoát nước 2 bên thấp hơn so với mặt bằng của lô cao su, nên tất cả lượng nước từ hướng Phan Chu Trinh đều đổ dồn về đây, gây nên tình trạng trên. Hiện nay người dân đang rất mong mỏi cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, có hướng khắc phục để người dân có thể sinh sống ổn định dài lâu, nhất là mỗi khi mưa về. Trước mắt, đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.
Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.