Multimedia Đọc Báo in

Để công trình cấp nước thôn Đoàn Kết 2 tiếp tục phát huy hiệu quả

11:32, 20/08/2010

Công trình cấp nước thôn Đoàn Kết 2 (xã Buôn Triết, huyện Lak) được đưa vào sử dụng từ năm 2005 với tổng kinh phí xây dựng 650 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp 60% và dự án Danida của Đan Mạch hỗ trợ 40%. Công trình có công suất thiết kế 120m3 nước/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 160 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, điều đáng nói từ năm 2008 đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho hơn 100 hộ dân trên địa bàn không có nước sinh hoạt.

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Cừ, thôn Đoàn Kết 2 sử dụng nước giếng đào, tuy không bị thiếu nước, nhưng khi có công trình cấp nước tập trung, gia đình đã đăng ký sử dụng ngay vì nghĩ sẽ tiện lợi và bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, chỉ được thời gian đầu nước chảy mạnh và trong, nhưng sau đó nước thường có màu đục, các dụng cụ đựng nước và nhất là ấm nấu nước sau khi sử dụng lại có một lớp cặn vôi bám chặt dưới đáy. Điều đáng nói, dù nhà ở ngay gần trạm cấp nước và mỗi ngày trạm mở máy bơm nước 3 lần, nhưng gần 3 tháng trở lại đây, không hiểu vì lý do gì, nước không thể chảy đến nhà, ông Cừ than thở: “Hứng cả ngày mới được 1 xô nước nên mấy tháng nay 8 người trong gia đình tôi khổ sở vì thiếu nước. Đi làm đồng về đã mệt, mọi người còn phải thay nhau đi xin nước gánh về dùng, còn nước tắm, giặt thì phải múc dưới mương. Thấy tình trạng trên kéo dài nên gia đình đã mua một máy bơm nước mới, nạo vét lại cái giếng cũ để sử dụng”. Gia đình chị Nguyễn Thị Toán cũng đăng ký sử dụng nước tại công trình cấp nước tập trung của thôn Đoàn Kết 2 từ năm 2005. Để được đấu nối, gia đình chị cũng như các hộ khác phải đóng góp 2,5 triệu đồng (trong đó, Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho mượn 1,6 triệu đồng, lãi suất 0,5%/năm, trả trong 3 năm, số còn lại các gia đình tự bỏ ra). Tuy nhiên, đến năm 2008, nhà chị không sử dụng được nguồn nước này nữa. Chị Toán cho biết: “Ngoài nước sinh hoạt, gia đình tôi còn nuôi mấy chục con heo nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Vì vậy, dù có đóng góp tốn kém một chút chúng tôi cũng chấp nhận vì khá tiện lợi. Vậy mà mới sử dụng được 3 năm đã không có nước nữa, lúc đó mỗi ngày tôi phải đi xin mấy chục gánh nước về sinh hoạt, vất vả quá nên gia đình đã đầu tư 7 triệu đồng để khoan giếng”. Gia đình bà Phạm Thị Xê cũng rơi vào trường hợp tương tự. Đã 8 tháng nay, 6 nhân khẩu trong gia đình bà phải sống trong cảnh thiếu nước, mọi sinh hoạt rất bất tiện. “Kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy con heo, nhưng thời điểm này lại đang có dịch tai xanh nên thua lỗ dữ lắm, lấy đâu ra tiền mà đào giếng. Hộ bên cạnh vừa mới khoan giếng xong nên tôi định sang xin dùng chung, trả tiền điện hằng tháng chứ biết làm sao”, bà Xê tính toán.

Anh Mai Danh Huấn, Hội trưởng Hội dùng nước (bên phải) buôn Đoàn Kết 2 (xã Buôn Triết, huyện Lak) kiểm tra hiện trạng cấp nước ở nhà ông Trần Văn Cừ.
Anh Mai Danh Huấn, Hội trưởng Hội dùng nước (bên phải) buôn Đoàn Kết 2 (xã Buôn Triết, huyện Lak) kiểm tra hiện trạng cấp nước ở nhà ông Trần Văn Cừ.

Qua tìm hiểu được biết, toàn bộ công trình cấp nước tập trung thôn Đoàn Kết 2 gồm có 6 tuyến ống có kích thước từ 34cm đến trên 114 cm. Nhưng từ năm 2008 đến nay, hơn 100 hộ dân dọc theo 3 tuyến ống có kích thước từ 34 cm – 49cm hầu như không có nước sinh hoạt. Anh Mai Danh Huấn, Hội trưởng Hội dùng nước cho biết: “Mỗi ngày, trạm bơm nước 3 lần nhưng chỉ những hộ ở các tuyến ống lớn thì có nước sinh hoạt, những hộ còn lại nước chảy nhỏ giọt và hầu như không có nước. Thấy vậy, tôi đã đào thử một vài tuyến ống lên kiểm tra và ống không hề bị bể nhưng khi cắt đôi đoạn ống ra thì có một lớp cặn vôi bám chặt, đóng thành cuộn tròn, bít gần hết đường ống, khiến cho nước không thể chảy đến các hộ dân”. Cũng theo anh Huấn, kết quả kiểm tra của Sở Y tế tỉnh, hàm lượng vôi trong nước tại công trình này ở mức 150mg/lít vẫn nằm trong mức cho phép sử dụng (giới hạn là trên 350mg/lít). Nhưng không hiểu sao các tuyến ống của công trình lại bị tủa vôi bám nhiều như thế. Cũng vì nước cung cấp không đều nên rất nhiều hộ trong thôn không đóng tiền nước hằng tháng. “Trước đây, Hội dùng nước có 3 người nhưng từ năm 2008 đến nay, 2 người đã nghỉ vì không có tiền phụ cấp hằng tháng. Giờ chỉ còn mình tôi, công việc nhiều, tiền phụ cấp không có còn phải bỏ tiền nhà ra bù tiền điện nên cố thêm được ngày nào thì cố, đến khi không thể xoay sở được thì cũng đành chịu thôi”, anh Huấn thổ lộ.

Khi xảy ra tình trạng trên, anh Huấn đã báo cáo với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nhưng được trả lời do công trình đã hoạt động được trên 3 năm nên không được hỗ trợ kinh phí nâng cấp nữa. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh nên quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể lọc để hạn chế tình trạng cặn vôi kết tủa và sửa chữa các tuyến ống hư hỏng nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công trình.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc