Multimedia Đọc Báo in

Lại thêm câu chuyện chiếm đoạt “sổ đỏ”

08:47, 13/12/2010

Những năm gần đây, tình trạng kẻ xấu lợi dụng lòng tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra khá nhiều. Do cả tin, nhiều hộ đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, không biết kêu ai!

Giao “trứng” cho “ác”
Bà Nguyễn Thị Thạch, trú tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na than vãn, trong thời gian làm nhà, do thiếu vốn xây dựng nên bà đã nhờ vợ chồng Đỗ Văn Mạnh, Nguyễn Thị Sản (cùng trú tại thôn Quỳnh Ngọc) vay vốn ngân hàng. Bà Thạch đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số bìa AH399416, thửa số 225, tờ bản đồ số 20, với tổng diện tích 142m2 cho vợ chồng Mạnh Sản. Sau khi 2 bên thỏa thuận, nếu vay được 200 triệu đồng thì bà Thạch phải cho vợ chồng Mạnh Sản mượn lại 100 triệu đồng. Thế nhưng, đến khi gia đình bà tiến hành xây nhà, cần gấp tiền, đến hỏi, vợ chồng Mạnh Sản trả lời chưa vay được. Chờ lâu quá, bà đã trực tiếp lên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi nhánh Phan Chu Trinh (TP.Buôn Ma Thuột) – địa điểm mà bà Sản ký vay vốn thì mới vỡ lẽ, sổ đỏ của gia đình bà Thạch đã được thế chấp với số tiền 200 triệu đồng. Đến nay, bà Thạch vẫn chưa lấy được sổ đỏ. Bà đã gửi đơn tố cáo lên UBND xã, nhưng chính quyền địa phương chưa có hướng giải quyết.

Không chỉ riêng trường hợp gia đình bà Thạch mà còn nhiều hộ khác tại thôn Quỳnh Ngọc cũng bị “sập bẫy” lừa đảo của vợ chồng Mạnh Sản. Chẳng hạn, trường hợp gia đình ông Đỗ Văn Chung, làm lụng vất vả quanh năm, tích trữ được một ít vốn định xây nhà, khi ông Mạnh (là cháu ruột của ông Chung) đến đặt vấn đề mượn nóng tiền trong lúc khó khăn, ông cũng nhẹ dạ giao số tiền trên 500 triệu đồng cho vợ chồng Mạnh Sản vay (giao trong nhiều lần). Đến lúc gia đình ông Chung làm xong nền nhà, đến đòi lại số tiền đã cho vay thì không đòi được. Ngoài ra, còn có một số hộ cho vay từ 20 đến 100 triệu đồng cũng đành chịu vì không biết phải làm sao. Trong khi đó, vợ chồng Mạnh Sản đã bỏ đi biệt tăm từ mấy tháng nay.

Tất cả những người bị vợ chồng Mạnh Sản lợi dụng chủ yếu là anh em ruột thịt, bà con lối xóm. Một phần vì họ cả tin, nhưng cũng có phần do họ hám lợi trước mắt, cho vay tiền với lãi suất cao, khi biết kẻ xấu cao chạy xa bay rồi thì đã quá muộn…

Các hộ dân trình bày sự việc với phóng viên.
Các hộ dân trình bày sự việc với phóng viên.

Chữ ký giả... vẫn được cấp sổ đỏ
Số tiền mà vợ chồng Mạnh Sản lừa đảo các hộ dân ở khu vực này lên đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, hầu hết chỉ mang tính chất cá nhân, có nghĩa là cho vay miệng, thông qua giấy viết tay chứ không có xác nhận của chính quyền địa phương nên các cơ quan chức năng rất khó vào cuộc.

Trong khi đó, trường hợp của gia đình bà Đỗ Thị Cậy, chồng là Nguyễn Văn Ngọc cùng trú tại thôn Quỳnh Ngọc đã có dấu hiệu “tiếp tay” kẻ xấu của chính quyền địa phương. Sự việc diễn ra như sau, trước đây bà Đỗ Thị Cậy đã mua một mảnh đất của em trai mình là ông Đỗ Văn Chung, thửa đất số 96, tờ bản đồ số 20, với tổng diện tích là 1.410m2, nhưng chưa chuyển quyền sử dụng đất cho người mua. Đến năm 2009, bà Cậy có nhờ vợ chồng Mạnh Sản đi làm thủ tục sang tên bìa đỏ mảnh đất đó cho gia đình, nhưng chờ mãi vẫn chỉ nhận được câu trả lời là chưa làm được. Thực chất, toàn bộ diện tích đất nói trên đã được sang tên cho vợ chồng Mạnh Sản.

Chúng tôi đã trực tiếp đến UBND xã Ea Na để tìm hiểu sự việc, bộ phận tư pháp của xã đã đưa toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng Mạnh Sản. Vấn đề đáng bàn ở đây là toàn bộ chữ ký trong bản hợp đồng thiếu tính công khai. Vợ chồng Mạnh Sản đã đưa hồ sơ đến UBND xã Ea Na làm việc, các chữ ký của bên bán (chữ ký của ông Đỗ Văn Chung, bà Nguyễn Thị Bích) đã được ký sẵn từ khi nào(!?). Mặc dù người bán đất không có mặt trực tiếp để ký kết trong hợp đồng, nhưng bộ phận tư pháp xã Ea Na vẫn duyệt hồ sơ cho vợ chồng Mạnh Sản. Về phía gia đình ông Đỗ Văn Chung quả quyết, vợ chồng ông không hề ký tên trong bản hợp đồng mua bán đất cho vợ chồng Mạnh Sản, chính quyền xã làm như vậy là sai nguyên tắc.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai, ghi rõ “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho, tặng quyền sử dụng đất… phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự …”. Tại Điều 11, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực nêu rõ, việc ký của người yêu cầu công chứng, chứng thực phải được thực hiện trước mặt người thực hiện công chứng, chứng thực…

Căn cứ vào 2 Nghị định trên, bộ phận tư pháp xã Ea Na đã làm không đúng trình tự, thủ tục ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời tạo ra kẽ hở để kẻ xấu luồn lách. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Tấn Tâm, Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, sau khi điều tra làm rõ vụ việc, sẽ có hình thức kỷ luật đúng người đúng tội đối với những trường hợp làm sai.

Phải chăng đây là một hồi chuông để cảnh tỉnh các hộ dân rằng: phải thận trọng trước khi giao tài sản nhà mình cho người khác, hơn thế nữa các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm sáng tỏ sự việc để bảo vệ quyền lợi cho người dân, không để kẻ lừa đảo nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

 

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.