Tăng viện phí phải trong khả năng chi trả của người dân
Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đối với việc điều chỉnh khung viện phí 350 dịch vụ y tế tại hội nghị lấy ý kiến về cơ chế tài chính và điều chỉnh giá viện phí.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng, lý giải về việc tăng viện phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mức giá viện phí đang áp dụng được xây dựng từ khi lương cơ bản ở mức 350.000 đồng/tháng. Nay mức lương cơ bản đã được Nhà nước điều chỉnh gấp gần 3 lần - 830.000 đồng/tháng, nên nếu không điều chỉnh viện phí ngay thì nhiều bệnh viện (BV) công có nguy cơ phải đóng cửa. Mức thu viện phí hiện nay quá lạc hậu so với mặt bằng chung. Do đó, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng thu viện phí như cũ, nhiều bệnh viện tuyến huyện và tỉnh có nguy cơ đóng cửa. Bởi lẽ tổng mức thu của một bệnh viện tuyến huyện hiện chỉ hơn 1 triệu đồng/ngày, trong khi đó mức chi thường xuyên khoảng 5 triệu đồng/ngày. Bệnh viện tuyến tỉnh có tổng thu khoảng 10 triệu đồng/ngày, nhưng tổng chi phí đến 50 triệu đồng/ngày. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, việc tăng viện phí sẽ khiến một bộ phận người bệnh bị ảnh hưởng. Cũng vì thế, việc điều chỉnh giá viện phí mới phải thực hiện theo lộ trình, trước mắt chỉ điều chỉnh một số dịch vụ quá bất hợp lý để bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Song song với đổi mới cơ chế tài chính, Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện nâng cao chất lượng bằng giảm tải để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường nhân lực, đồng thời thành lập hội đồng kiểm tra về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện. Trong trường hợp bệnh nhân nằm ghép thì tiền giường thanh toán sẽ phải giảm đi.
Chạy thận nhân tạo dự kiến sẽ có giá mới là 300.000 - 400.000 đồng/lần thay cho giá hiện hành từ 150.000 - 300.000 đồng/lần. Ảnh: K.O |
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền thuốc và vật tư thay thế trong gói chi phí mà người bệnh và cơ quan BHYT phải chi trả; không làm ảnh hưởng đến 54 triệu người có thẻ BHYT (hơn 60% số dân), vì chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản được BHYT chi trả. Đối với người thuộc hộ cận nghèo và nông dân, theo lộ trình thực hiện Luật BHYT, từ ngày 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT (đang đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 50-60%). Còn với đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên, tuy giá dịch vụ y tế được điều chỉnh nhưng giá dịch vụ so với các nước trong khu vực còn rất thấp, do vậy các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc tăng viện phí các dịch vụ y tế sẽ giảm được tình trạng nằm ghép 2, 3 bệnh nhân trên một giường bệnh. Ảnh: K.O |
Mặc dù, Bộ Y tế vẫn khẳng định việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng đến người bệnh có thẻ BHYT. Song trên thực tế, việc tăng mức đóng BHYT cũng đang được cơ quan bảo hiểm tính đến. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, điều chỉnh khung giá của các dịch vụ y tế là cần thiết , thế nhưng cần phải có sự thay đổi tổng thể về cơ cấu tài chính y tế. Nếu tăng chi mà không tăng thu sẽ khiến việc cân đối thu chi của quỹ BHYT vốn đã khó sẽ càng khó hơn. Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm, với mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của quỹ BHYT mỗi năm thêm từ 12.000 tỷ đến 15.000 tỷ đồng. Theo lộ trình thực hiện BHYT, mức đóng BHYT từ 4,5% lên 5% mức lương tối thiểu cũng đang được tính đến. Như vậy, mức đóng của đối tượng công chức sẽ tăng thêm khoảng 11% so với mức đóng hiện tại, đối tượng cận nghèo sẽ tăng từ 430.000 đồng lên 450.000 đồng/năm. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng nếu nâng tỷ lệ người tham gia BHYT thì việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ không tác động nhiều đến người bệnh. Tuy nhiên, cũng cần tính đến việc điều chỉnh mức đóng BHYT khi giá viện phí đã tăng.
Trước đề xuất của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, việc điều chỉnh khung viện phí đối với 350 dịch vụ y tế đang áp dụng từ năm 1995 là việc làm cần thiết nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và phải có hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế trong quý IV - 2011 trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế để đến năm 2012 triển khai thực hiện.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc