Multimedia Đọc Báo in

Thực trạng báo động từ vụ 4 nữ sinh chết đuối do lật thuyền ở Cư Kuin

15:57, 13/11/2011

Báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho thấy, Dak Lak là một trong 15 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất. Vụ lật thuyền vào chiều Chủ nhật (6-11) tại hồ cá thôn 14, xã Ea Ning làm 4 nữ sinh Đỗ Thị Mỹ Huyền, Mai  Thị Thanh Trang (trú tại thôn 14) Dương Thị Hải Yến (trú tại thôn 7), xã Ea Ning và Hà Thị Thu Trang (trú tại thôn 6 xã Ea Hu), đều là học sinh lớp 9A2 trường THCS Chư Quynh bị thiệt mạng, lại một lần nữa lại dóng lên hồi chuông báo động.

Chiều Chủ nhật định mệnh
Theo lời kể của các bạn cùng lớp với 4 nạn nhân: chiều Chủ nhật (6-11), lớp 9A2 đi học thêm môn Hóa học tại nhà thầy Duy, đến khoảng 15 giờ thì hết giờ học. Do thấy thời gian còn sớm, lại là cuối tuần nên 4 bạn Huyền, Thu Trang, Thanh Trang và Hải Yến rủ nhau cùng đạp xe đạp về nhà Huyền ở thôn 14 chơi. Nhà Huyền nằm cạnh một hồ nuôi cá khá rộng, khi đến nhà cả nhóm thấy một chiếc thuyền tôn để sát bờ hồ nên rủ nhau cùng chèo thuyền ra hồ chơi. Khi mới chèo được một đoạn, bà Lê Thị Ngàn (mẹ nạn nhân Huyền) đã kịp thời phát hiện, gọi cả nhóm chèo thuyền quay trở lại. “khi thấy tụi nó đã vào nhà chơi, tui tranh thủ dùng xe đạp chở bì lúa ra đầu thôn để xay, có ngờ đâu khi tui đi vắng chúng lại quay ra chơi tiếp. Đi được chừng 30 phút thì nhận được hung tin” - bà Ngàn nói trong nước mắt.

Em Nguyễn Thị Thủy (SN 1998) hàng xóm của nạn nhân Huyền, người chứng kiến vụ việc kể lại: lúc đó trời cũng đã gần tối, em đang đi chơi cạnh bờ hồ thì thấy 4 chị đang ngồi trên thuyền vừa chèo vừa dùng tay khoát nước đùa nhau, có chị gọi nhờ hỏi xem mấy giờ. Em chạy vào nhà hàng xóm hỏi giờ giúp mấy chị, lúc quay trở ra thì thấy thuyền đang bị chìm, mấy chị đang chới với, có chị trên thuyền kêu “cứu với”, em vội la lên để mọi người đến cứu và chạy đi báo với bác Triệu (ba Huyền) nhà ở gần đó. Ông Đỗ Hữu Triệu mắt đỏ hoe kể: “khi nghe hung tin, tui đã tức tốc bơi ra hồ để cứu các cháu, nhưng địa điểm nơi các cháu gặp nạn cách xa bờ hơn 60m lại rất sâu, khi đến nơi thì đã quá muộn.” Đến khoảng 17g30 phút ngày 6-11, xác 4 nữ sinh xấu số nói trên được người thân tìm thấy, đưa về gia đình để lo hậu sự.

Được biết, trong số 4 gia đình có con gặp nạn thì có 2 gia đình thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Ngay sau khi xảy ra sự việc đau lòng trên, UBND xã Ea Ning đã hỗ trợ gia đình ông Đỗ Hữu Triệu 500 ngàn đồng, UBND huyện Cư Kuin cũng đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ hai gia đình hộ nghèo mỗi hộ 2 triệu đồng, những hộ còn lại 500 nghìn đồng.

Ngưới dân thôn 14 vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc.
Ngưới dân thôn 14 vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc.
Những bài học đau lòng và lời cảnh báo
Ông Trần Tấn Công, Phó Chủ tịch xã Ea Ning cho biết: “Địa điểm các em gặp nạn, trước đây là hồ nước của Công ty cà phê Cư Kuin, nay cho người dân thuê để nuôi cá. Chiếc thuyền các em dùng để chèo ra hồ là của anh Nguyễn Đình Thi (người trông coi hồ cá). Chiều hôm đó vợ chồng anh Thi đi đám cưới nên đã xảy ra sự việc đau lòng."  Một vụ đuối nước khiến 3 trẻ thiệt mạng xảy ra cách đây không lâu cũng đã để lại nỗi đau tột cùng. Đó là vào khoảng tháng 9 năm 2011, một nhóm học sinh trường THPT Hồng Đức, TP. Buôn Ma Thuột sau khi dự lễ khai giảng năm học mới đã rủ nhau vào buôn Akô D’hông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột chơi. Trong khi chơi tại đây, 5 học sinh nam đã rủ nhau lội xuống hồ do người dân múc để tưới cà phê chơi, không may trượt chân xuống chỗ sâu, 2 em may mắn bơi được vào bờ, 3 em còn lại do không biết bơi nên đã bị chìm.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ đuối nước xảy ra hàng năm trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy thực trạng đuối nước đang là vấn đề đáng báo động ở Dak Lak. Một thực tế là, trên địa bàn Dak Lak hiện có hàng trăm ao hồ, đập nước được người dân xây dựng để tưới cà phê; những hồ này thường được đào, đắp theo kiểu lòng chảo nên rất sâu và nguy hiểm. Hầu hết các hồ này đều không có rào chắn hay biển cảnh báo, do vậy nhiều trẻ em, học sinh hay tới đây để tắm hoặc chơi đùa mà thiếu sự nhắc nhở, giám sát của người lớn nên bị tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế: năm 2008 Dak Lak có 108 trường hợp bị tử vong do đuối nước ở độ tuổi từ 0-19; năm 2009 là 118 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2010 là 25 trường hợp; và năm 2011 chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có hơn 50 trẻ em bị chết do đuối nước, mà nguyên nhân chủ yếu là do tắm ở ao, hồ, đập nước. Đó thật sự là những con số báo động và đau lòng. Thiết nghĩ đã đến lúc ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc thiết lập cho trẻ em một môi trường sống an toàn; rà soát lại các ao, hồ thiếu an toàn, có nguy cơ gây đuối nước cao trên địa bàn, cho rào xung quanh cẩn thận; lắp đặt biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm để cảnh báo… đồng thời các bậc cha mẹ cần giám sát chặt chẽ con em mình; hạn chế xảy ra những cái chết thương tâm như trên.

Lê Tấn

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.