Xây dựng không phép - Nan giải chuyện xử lý
Xây dựng không phép, trong đó chủ yếu là xây nhà trên đất nông nghiệp và xây nhà trái phép vi phạm quy hoạch, lâu nay vẫn diễn ra tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột và thậm chí hiện đang diễn biến một cách rất… sôi động. Mặc dù biết rõ tình hình cũng như nguyên nhân song dường như các cơ quan quản lý Nhà nước đều… “bó tay” khi giải quyết thực trạng này…
Vô tư xây nhà không phép
Dạo một vòng qua các phường, xã trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, có thể thấy tình hình mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp và xây dựng nhà không phép diễn ra khá sôi động, nhất là trên các tuyến phố mới mở. Tại rất nhiều hẻm, ngõ trên các con đường như Y Nuê (phường Ea Tam), Y Moan Enuôl, Nguyễn Khuyến (phường Tân Lợi), Y Ngông nối dài (phường Tân Tiến) hay Nguyễn Thị Định (phường Thành Nhất)… có thể thấy khá nhiều lô đất được rao bán, hầu hết là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó có những lô đất lớn với diện tích lên đến vài sào hay cả hecta được người dân tự ý mở đường nội bộ rồi phân lô bán đất. Nhiều nhất là những lô đất có diện tích khá nhỏ, phổ biến là khoảng 100 – 150 m2 với mức giá khá mềm, chỉ từ 50 – hơn 200 triệu đồng/lô. Vì là đất nông nghiệp, lại phân lô diện tích nhỏ nên việc mua bán chủ yếu là “giấy tay” thỏa thuận giữa người mua-người bán. Nhiều chủ đất “cam kết”: đất không có tranh chấp, cứ xây nhà thoải mái, chính quyền phạt thì nộp phạt rồi tiếp tục xây.
Nhiều ngôi nhà xây tại hẻm 74, đường Nguyễn Khuyến (phường Tân Lợi) đều là nhà không phép. |
Tại phường Thành Nhất, tình trạng nhà xây không phép “nóng” nhất là ở địa bàn khối 4, khối 5. Phức tạp nhất là tại khu vực 8 tháng 10 thuộc khối 5 với 100% nhà xây đều là nhà không phép. Được biết, trước năm 1997 khu vực này là cánh đồng rau xanh, sau đó đến năm 2005 đã được quy hoạch dành cho công viên cây xanh và khu biệt thự với tổng diện tích gần 4 ha; hiện nay có 84 căn nhà đã được xây dựng trái phép, vi phạm quy hoạch khu vực này với diện tích gần 1 ha. Bà Trịnh Thị Ngân, tổ trưởng tổ liên gia 43 thuộc khối 5, phường Thành Nhất – một người dân đã sống tại khu vực này trên 30 năm – cho biết: “Đây vốn là ruộng khô trồng rau xanh, sau đó do không đủ nước, hệ thống thủy lợi không bảo đảm nên người dân đã chuyển sang trồng cây nông nghiệp khác. Rồi trước nhu cầu xây nhà để ở, trong đó có rất nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn từ các địa bàn khác đã tìm đến đây mua đất xây nhà, người dân ở đây đã mở đường và phân lô bán đất. Mỗi lô đất có diện tích chỉ khoảng 100m2 với trị giá vài chục triệu đồng, nhiều nhà xây chỉ có diện tích khoảng 40-50m2 với giá trị xây dựng không lớn”.
“Xây dựng không phép diễn ra phổ biến, cả phường có 17 tổ dân phố thì hầu như địa bàn nào cũng xảy ra tình trạng này”, ông Phạm Hùng Vương, Chủ tịch UBND phường Tân Lợi thẳng thắn thừa nhận. Quả thật, là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều trung tâm mua sắm nên các con đường ở phường Tân Lợi như Hà Huy Tập, Y Moan Ênuôl, Nguyễn Khuyến… được nhiều người chọn làm nơi ở. Từ nhu cầu này, nhiều chủ vườn, chủ rẫy đã tự ý cắt đất, xây dựng đường bê tông nội bộ để phân lô, bán nền với diện tích từ 100m2 trở lên. Chứng kiến hàng trăm ngôi nhà đủ kiểu dáng đã và đang mọc lên tại những đường ngang thuộc các con đường trên, thật khó tưởng tượng rằng cách đây chừng mươi năm khu vực này còn là những rẫy cà phê ngút ngàn. Ông Vương cho biết: “Tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi đất nông nghiệp còn nhiều, chiếm gần 50% trong số hơn tổng diện tích 1.400 ha toàn phường, đất được người dân địa phương rao bán nhiều với diện tích vừa phải, giá cả thấp, lại gần các trung tâm mua sắm khiến người dân tập trung đến ở rất nhiều, chủ yếu là người lao động hay công chức, viên chức có thu nhập thấp mà có nhu cầu được “an cư”.
Địa bàn nào cũng có vi phạm
Trước tình hình vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TU của Thành ủy Buôn Ma Thuột về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, vừa qua UBND thành phố tổ chức đoàn kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Đến nay, qua kiểm tra 8 phường, xã (gồm: các phường Ea Tam, Khánh Xuân, Tân Tiến, Thành Nhất, Tân Thành, Tự An, Tân Lợi và xã Hòa Thắng), đoàn kiểm tra ghi nhận tại hầu hết các địa bàn đều xảy ra tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, xây dựng nhà và các công trình khác trái phép trên đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Còn theo báo cáo của Phòng Quản lý Đô thị TP.Buôn Ma Thuột, trong 6 tháng đầu năm 2013, phòng cùng với UBND các phường, Đội Thanh tra xây dựng số 1 đã phối hợp xử lý vi phạm đối với 52 trường hợp xây dựng không phép, 3 trường hợp sai phép, trong đó tổ chức cưỡng chế 2 trường hợp do xây dựng vi phạm hành lang giao thông.
Một thực tế dễ thấy là những địa bàn “nóng” về tình trạng xây dựng không phép, nhất là những phường, xã ven trung tâm có tốc độ đô thị hóa cao và còn nhiều diện tích đất nông nghiệp như các phường Ea Tam, Tân Lợi, Thành Nhất, Tân An… Ông Lưu Văn Khôi, Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường thành phố nhận xét: tình trạng xây dựng không phép loang ra như một vòng tròn quanh khu vực trung tâm thành phố, chủ yếu ở những địa bàn còn nhiều đất nông nghiệp. Khi những khu vực trước đây từng là “điểm nóng”, chẳng hạn như phường Tân Tiến, đã được quy hoạch, giá đất đẩy cao lên thì tình trạng này lại lan sang những địa bàn khác. Còn bà Phạm Thị Minh Thảo, Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP.Buôn Ma Thuột, khẳng định: Xảy ra rất nhiều trường hợp xây dựng vi phạm quy hoạch (khu vực đất được quy hoạch dành cho các công trình công cộng, đất ở theo dự án). Nếu việc xây dựng vi phạm quy hoạch cứ diễn biến nhiều như hiện nay sẽ có thể dẫn đến tình trạng quỹ đất dành cho các công trình dân sinh bị thiếu hoặc đến khi quy hoạch được thực hiện, Nhà nước tổ chức thu hồi đất thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân.
Có thể nói, xây dựng không phép, sai phép là tình trạng tồn tại đã lâu và dường như đến nay vẫn là một vấn đề khiến các cơ quan quản lý đau đầu vì không thể giải quyết rốt ráo.
(còn tiếp)
Như Hà
Kỳ II: Cơ quan quản lý “bó tay”?
Ý kiến bạn đọc