Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Nhu cầu cấp bách

15:49, 08/05/2014

Nguồn nước phục vụ cho sản xuất ngày một giảm, diện tích lúa nước bị khô hạn ngày một tăng, cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một nhu cầu cấp bách đối với sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak. Tuy nhiên, để diện tích chuyển đổi mang tính bền vững thì cần có những giải pháp phù hợp để người dân không loay hoay tự phát theo tư duy “ăn xổi…”.

Còn ngại chuyển đổi

Mặc dù là thủ phủ của cà phê, nhưng cây lúa nước cũng chiếm một vị thế quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ cho Dak Lak. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự biến đổi của khí hậu, tài nguyên rừng bị tàn phá nên nguồn nước không còn dồi dào như trước; thêm vào đó, nhiều công trình thủy lợi bị xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời, sự phát triển ồ ạt của nhiều loại cây trồng cần nước nên việc cung cấp nước tưới cho sản xuất lúa nước không còn được bảo đảm. Trong đợt hạn vừa qua, toàn tỉnh đã có hơn 4.357 ha lúa đông xuân bị hạn, trong đó mất trắng trên 1.241 ha do không có nguồn nước chống hạn. Thực tế khắc nghiệt như vậy nhưng khá nhiều nông dân vẫn bám ruộng, độc canh cây lúa nước, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Đơn cử như ở xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana), toàn xã có khoảng 60 ha lúa nước, nguồn nước tưới là dựa vào hồ, đập nhỏ, trong vòng 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào diện tích này cũng bị hạn và mất trắng, thế nhưng cứ đến vụ, người dân vẫn trồng lúa chứ không phải một loại cây trồng khác. Hay ở huyện Krông Bông, diện tích lúa gieo trồng vụ đông xuân 2013-2014 vượt 623 ha so với kế hoạch được giao, nguy hiểm hơn là phần lớn những diện tích này đều không bảo đảm nguồn nước tưới, nguy cơ mất trắng có thể nhìn thấy, nhưng người dân vẫn tận dụng nguồn nước mưa cuối mùa, nước ở khe suối nhỏ… để trồng lúa. Và hệ lụy cũng đã xảy ra, trong số 529 ha lúa nước bị hạn (mất trắng 183 ha) thì có 143 ha ngoài kế hoạch.

Lý giải cho việc nông dân không chịu phá bỏ độc canh cây lúa nước, nhiều người trồng lúa cho rằng, việc bảo đảm lương thực đối với họ rất quan trọng, nhất là những vùng còn khó khăn, nếu khi chuyển sang cây trồng khác mà sản phẩm không bán được thì lấy gì mà ăn, trong khi trồng lúa dù bấp bênh nhưng vẫn an toàn hơn, nếu không bị mất mùa, sản phẩm dù không bán được thì vẫn còn có lương thực để bảo đảm cuộc sống. Đó là chưa kể đến những rào cản khi tiếp cận với cây trồng mới, kỹ thuật mới, chi phí vật tư… cũng khiến người dân e ngại hơn.

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu ở huyện Krông Bông.
Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu ở huyện Krông Bông.

Trên thực tế, cũng đã có một số nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng khoai lang Nhật ở Dur Kmăl và Bình Hòa (huyện Krông Ana), với tổng diện tích 124 ha, cho doanh thu từ 45 - 48 triệu đồng/ha; mô hình trồng thuốc lá ở Krông Bông cũng mang lại thu nhập khá cao cho nông dân, trên 80 triệu đồng/ha… Tuy nhiên, đây vẫn là những mô hình tự phát, quy mô chưa lớn và thị trường đầu ra chưa ổn định.

Cần có quy hoạch cụ thể

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện bấp bênh về nguồn nước tưới, cần phải chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp. Trên thực tế, khi xây dựng kế hoạch sản xuất hằng năm, Sở luôn có văn bản chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là diện tích lúa nước hay bị khô hạn trong vụ đông xuân chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác như: ngô, khoai lang, thuốc lá, dưa hấu... có nhu cầu nước ít hơn. Trong vụ đông xuân 2013-2014, Dak Lak cũng đã chuyển đổi được 1.109 ha, chiếm 3,69% tổng diện tích lúa nước vụ đông xuân của toàn tỉnh. Dự kiến vụ đông xuân 2014-2015 sẽ chuyển đổi 1.008 ha đất lúa sang các cây trồng ngắn ngày phù hợp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tuy có nhiều chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, nhiều nơi còn diễn ra tự phát, chưa định hình được sản xuất và tiêu thụ ổn định nên đôi khi thiếu hụt, đôi khi lại dư thừa. Trong khi đó thị trường tiêu thụ các sản phẩm được chuyển đổi thiểu ổn định nên người dân chưa thật sự yên tâm chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác; ngân sách của các địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách đầu tư, khuyến khích người trồng lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Quan trọng hơn, các tiến bộ kỹ thuật cho các cây trồng trên cạn đến nay hầu như không có nhiều thay đổi và công tác chuyển giao vào sản xuất còn chậm. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất  cây trồng cạn chưa được đầu tư đúng mức, chưa có những nghiên cứu sâu rộng về kỹ thuật và quy trình canh tác cho từng loại cây ở từng tiểu vùng sinh thái.

Tại hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở các địa phương thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên diễn ra hồi cuối tháng 3-2014, Bộ NN-PTNT đưa ra kế hoạch dự kiến đến năm 2015, diện tích đất lúa cần chuyển đổi toàn vùng Tây Nguyên là 4.500 ha, chiếm 2% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn vùng, trong đó Dak Lak 2.051 ha. Đến năm 2020, diện tích đất lúa cần chuyển đổi 10.000 ha, chiếm 4,3% tổng diện tích lúa toàn vùng, trong đó Dak Lak 4.758 ha. Theo kinh nghiệm của các tỉnh, để tạo ra cú hích mạnh cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, trước tiên phải quy hoạch lựa chọn vùng sản xuất, việc chuyển đổi này phải dựa vào lợi thế của từng vùng và xác định kỹ lưỡng thị trường tiêu thụ của nông sản. Trên cơ sở đó, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm bảo đảm chủ động nguồn nước tưới. Đặc biệt cần chú ý, việc chuyển đổi phải lấy hiệu quả sản xuất làm thước đo và được nông dân chấp nhận làm theo, đồng thời quan tâm giải quyết khó khăn cho nông dân, nhất là chính sách hỗ trợ chi phí mua giống, tập huấn kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng về tưới nước. Bên cạnh đó, cần phải ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc