Giám sát chuyên đề tại kỳ họp HĐND tỉnh: Nâng cao hiệu quả giám sát và chất lượng ban hành nghị quyết
Lâu nay việc giám sát chuyên đề do Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) và các Ban của HĐND tỉnh thực hiện, sau đó báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản tại kỳ họp của HĐND. Mới đây, lần đầu tiên HĐND tỉnh khóa IX tiến hành giám sát chuyên đề ngay trong Kỳ họp thứ Tư.
Chuyên đề được lựa chọn đưa ra chất vấn, giám sát là tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. Theo đó, sau khi báo cáo giám sát được trình bày trước kỳ họp, đại biểu tiếp tục giám sát, tham gia đóng góp ý kiến. Nội dung này thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh.
Báo cáo giám sát chuyên đề đã đi đúng vào vấn đề, đánh giá chính xác ưu điểm, hạn chế và những giải pháp khắc phục trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận sôi nổi, phân tích kỹ và bổ sung những ý kiến xác đáng vào Báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Các đại biểu đã chủ động thu thập tình hình, nắm thông tin liên quan để so sánh, đối chiếu với báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát.
Liên quan đến vấn đề thất thu thuế, đại biểu Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phân tích: “Theo báo cáo của Đoàn giám sát, mỗi năm có khoảng 1,2 đến 1,5 triệu m3 cát được khai thác. Nhưng báo cáo của Cục Thuế tỉnh từ năm 2012 - 2016 số thuế tính được đối với cát là 850.455 m3. Như vậy số thuế đã thu trong 5 năm đối với cát chưa bằng sản lượng một năm khai thác”. Về vấn đề này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản giải trình: “Trên thực tế việc thất thu trong hoạt động khai thác cát có thể xảy ra. Tuy nhiên số liệu rất khó xác định được. Thời gian tới để kiểm soát vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị hoạt động khoáng sản lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại khu vực khai thác và tập kết để có cơ sở kiểm soát sản lượng của các đơn vị. Qua đó sẽ khắc phục được tình trạng thất thu từ hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp”.
Một đoạn sông tại huyện Lắk bị sạt lở do khai thác cát. |
Một số đại biểu HĐND tỉnh còn đề nghị UBND tỉnh cần xem xét lại việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường còn quá thấp so với mức độ ảnh hưởng của khai thác khoáng sản. Ngoài ra, trong hoạt động này cần bổ sung nguyên nhân các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật; nên có quy chế phối hợp, kê khai nộp thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân; tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản.
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, địa phương có 2 khu vực khai thác cát giáp ranh với huyện Krông Pắc và Cư Kuin, trong nhiều năm qua hoạt động khai thác cát tại đây rất lộn xộn, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội. UBND tỉnh nhiều lần giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương để xử lý, nhưng kết quả chưa cao.
Từ thực tế trên, đại biểu Huỳnh Bài kiến nghị: “Đối với những khu vực giáp ranh cần phải quy hoạch lại cho phù hợp với từng địa phương, để dễ dàng hơn trong công tác quản lý. Tốt hơn hết nên giao trách nhiệm cho một địa phương chủ trì còn địa phương khác phối hợp. Còn về việc giao trách nhiệm cho các địa phương sẽ rất khó bởi theo quy định, địa phương chỉ quản lý khoáng sản chưa khai thác, do đó khi phát hiện sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan chuyên môn của huyện không được quyền thanh, kiểm tra”.
Xung quanh nội dung phân cấp quản lý, đại biểu Bùi Văn Bang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng, nếu đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương thì tỉnh cũng nên phân giao quyền được sử dụng các lực lượng, phương tiện để xử lý khi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. |
Trên cơ sở báo cáo giám sát, giải trình của UBND tỉnh và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Với những nhóm giải pháp tổng hợp đã được bàn bạc kỹ lưỡng, việc chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản được kỳ vọng dần đi vào nền nếp, không còn tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Nghị quyết HĐND là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nghị quyết HĐND ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, là cơ sở để UBND ban hành các quyết định trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian qua, hầu hết các nghị quyết của HĐND được ban hành thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số nghị quyết vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên quá trình triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong đó có nguyên nhân do một số cơ quan soạn thảo chuẩn bị dự thảo nghị quyết còn sơ sài, thiếu sâu sát thấu đáo thực tế nên có nghị quyết phải trình nhiều lần mới được thông qua làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương. Có nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật nhưng nội dung còn chung chung, thiếu cụ thể, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Vì vậy, giám sát chuyên đề ngay tại kỳ họp là một trong những cách làm để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cũng như chất lượng các nghị quyết được ban hành. “Để nghị quyết đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt phải đảm bảo đúng quy trình, từ khâu xây dựng đề án; soạn thảo, thẩm tra, thông qua nghị quyết; tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết…, đặc biệt là “tranh thủ” ý kiến của tất cả các đại biểu HĐND tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc