Nỗi lo voi rừng tấn công voi nhà
Thời gian gần đây, tình trạng voi nhà bị voi rừng tấn công khi đang kiếm ăn ở trong rừng khiến những người nuôi voi ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) không khỏi lo lắng.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi, từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6-2017, trên địa bàn xã Krông Na đã có 5 con voi nhà bị thương do voi rừng tấn công. Cụ thể: từ ngày 15 đến 19-5, tại khu vực thuộc Trạm Kiểm lâm số 6 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) 2 con voi nhà là Khăm Sinh và Bun Nang bị voi rừng tấn công bị thương. Tiếp đó, vào ngày 27 đến 30-5 tại Tiểu khu 460 thuộc Công ty TNHH Ánh Dương (buôn Ea Mar, xã Krông Na) 2 con voi Plăng và H’Plo cũng bị voi rừng tấn công. Gần đây nhất, ngày 3-6 voi rừng lại về Tiểu khu 463 (thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn voi) tấn công làm voi Thông Khăm rách tai.
Các chủ voi ở đây đều lo lắng vì lâu nay vẫn cột voi trong rừng để chúng tự kiếm ăn mà không phải canh chừng, có khi voi ở trong rừng cả tháng cũng không sao, còn giờ mỗi lần cho voi đi ăn đều sợ gặp phải voi rừng và bị chúng tấn công. Nhẹ thì bị trầy xước, nặng hơn có thể bị chết.
Các bác sĩ thú y của Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc một con voi nhà bị thương. (Ảnh do Trung tâm Bảo tồn voi cung cấp) |
Về phía Trung tâm Bảo tồn voi, sau khi nhận được tin báo của người dân, Trung tâm đã cử cán bộ, bác sĩ xuống thăm khám, điều trị cho voi. Các vết thương voi rừng gây ra chủ yếu là trầy xước ngoài da, tuy nhiên cũng có một số vết thương nặng, phải phẫu thuật. Điển hình như voi đực Khăm Sinh bị voi rừng tấn công với hai vết thương nặng ở chân và lưng. Hai vết thương sưng to, mưng mủ, các bác sĩ của Trung tâm phải mổ, dùng kháng sinh điều trị trong 15 ngày mới khỏi. “Không chỉ chịu đựng vết thương trên cơ thể, voi nhà bị tấn công còn bị ảnh hưởng về tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc với những con voi nhà khác”, anh Phạm Văn Thịnh, bác sĩ thú y của Trung tâm cho hay.
Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi thì tình trạng voi rừng tấn công voi nhà diễn ra trong những năm gần đây, đặc biệt voi rừng đã tấn công làm chết 1 con voi của ông Y Tưng Niê ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vào tháng 3-2016. Ở những khu vực rừng này có 2 cá thể voi đực tách đàn thường xuyên di chuyển qua lại, khi thấy voi nhà cột trong rừng để kiếm thức ăn chúng sẽ tấn công. Theo nhận định của chuyên gia, các cá thể voi rừng về tấn công voi nhà là voi đực đơn lẻ, đến mùa động dục chúng thường tách khỏi đàn để đi tìm voi cái khác đàn giao phối (để tránh đồng huyết trong tự nhiên). Khi voi rừng gặp voi nhà nếu là voi đực thì chúng tấn công để dành voi cái và chúng cũng tấn công cả voi cái nếu không cho giao phối.
Để phòng tránh xung đột giữa voi nhà và voi rừng, Trung tâm Bảo tồn voi đã gửi văn bản đến từng hộ nuôi voi trong xã Krông Na hướng dẫn cách phòng tránh. Theo đó, một số biện pháp được khuyến cáo như không xích thả voi tại các điểm voi rừng hay xuất hiện, buổi tối không xích voi trong rừng mà nên đưa về gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ. Trong trường hợp phát hiện voi rừng về gần khu vực dân cư sinh sống, phá hoại tài sản và tấn công voi nhà, cần báo ngay cho Trung tâm Bảo tồn voi và chính quyền địa phương để có biện pháp xua đuổi an toàn, không gây hại đến voi rừng. “Chúng tôi thường xuyên theo dõi hai cá thể voi đực này, trước mắt sẽ dùng các biện pháp để xua đuổi chúng xa khu vực sản xuất, dân cư để tránh gây hại tài sản, tính mạng của người dân. Còn nếu voi rừng hung dữ quá, đơn vị sẽ tính toán phương án khống chế, di dời những con voi này đến nơi khác”, ông Luân cho biết thêm.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc