Cảnh báo trước khi vận hành thủy điện trong mùa khô: Việc phải làm ngay
Lâu nay, việc cảnh báo trước khi vận hành nhà máy thủy điện chỉ bắt buộc trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân vùng hạ du thì việc cảnh báo cũng cần được thực hiện trong cả mùa khô.
Thời gian qua đã có nhiều sự cố thương tâm xảy ra tại vùng hạ du thủy điện và mới nhất là sự việc xảy ra cách đây chừng hơn một tháng trên sông Sêrêpốk, đoạn dưới Nhà máy thủy điện Đray H’linh 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Cụ thể, chiều ngày 16-3-2018, trong lúc đang hái rau tại khúc sông này thì 2 chị H’Yam Niê (trú tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) và H’Yun Niê (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) bị nước cuốn trôi do nhà máy thủy điện xả nước chạy máy. Theo tìm hiểu đây là nhà máy vận hành theo ngày tùy thuộc theo lịch điều độ nên không có khung giờ nhất định về việc xả nước vận hành máy. Vào mùa khô, nhà máy chủ yếu vận hành trong giờ cao điểm. Sau khi xảy ra sự việc, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) đã tiến hành kiểm tra hoạt động tại nhà máy này. Kết quả cho thấy, tại thời điểm xảy ra tai nạn, nhà máy đang vận hành tổ máy số 2, theo đúng phương án vận hành đã được cơ quan chức năng phê duyệt; đồng thời cho rằng đây là sự cố không mong muốn, nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà máy. Tuy nhiên, đơn vị quản lý công trình đã không có còi hụ thông báo trước khi chạy máy và nhiều vị trí vùng hạ du không có cọc tiêu, biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm.
Nhà máy thủy điện Đray H’linh 1 để xảy ra sự cố đáng tiếc tại vùng hạ du trong thời điểm đang vận hành. |
Từ sự việc trên có thể thấy, mặc dù nhà máy thủy điện vận hành đúng quy trình, nhưng vẫn có thể xảy ra nguy hiểm cho người dân vùng hạ du. Thực tế, việc cảnh báo bằng còi hụ trước khi vận hành công trình thủy điện vào mùa khô không phải là điều bắt buộc đối với tất cả các nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật và quy trình vận hành hồ chứa. Tuy nhiên, để tránh những sự việc đau lòng như đã nói thì đây là việc cần phải làm ngay, bởi người dân vùng hạ du các nhà máy thủy điện cần được cảnh báo để cảnh giác, phòng tránh tai nạn đuối nước.
Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 công trình thủy điện, trong đó có 18 công trình có hồ chứa. Hầu hết các công trình đều vận hành đúng quy trình cả trong mùa mưa và mùa khô, tuy nhiên nhiều nhà máy vẫn chưa thực sự chú trọng việc tuyên truyền, cảnh báo cho người dân trước khi xả nước vận hành máy. Để phòng tránh tai nạn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ lưu trong mùa khô, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ hồ, nhà máy thủy điện tăng cường công tác cảnh báo trong vận hành. Theo đó, yêu cầu các chủ hồ thủy điện (kể cả các chủ hồ có nhà máy ở tỉnh khác khi vận hành phát điện có dòng chảy liên quan đến vùng hạ du thuộc địa phận Đắk Lắk) phải lắp đặt hệ thống còi báo và thực hiện việc cảnh báo trước khi chạy máy 10–15 phút theo hình thức kéo 2 hồi còi dài 20 giây, mỗi hồi cách nhau 10 giây. Các nhà máy thủy điện tiến hành rà soát phía hạ lưu nhà máy, nghiên cứu lắp đặt các biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm, nhiều người thường lui tới để người dân cảnh giác.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trương Công Hồng, bên cạnh trách nhiệm của chủ hồ, nhà máy thì chính quyền địa phương có công trình thủy điện cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân đề phòng tai nạn trong khu vực hạ lưu các công trình; đồng thời người dân vùng hạ du thủy điện cũng cần nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó khi thủy điện xả nước vận hành.
Năm 2018, Sở Công thương sẽ tiến hành thanh, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn hồ đập đối với 6 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, gồm: Nhà máy thủy điện Krông H’Năng (Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba); Thủy điện Buôn Tua Shar, Sêrêpốk 3 (Công ty Thủy điện Buôn Kuốp); Thủy điện Sêrêpốk 4 (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đại Hải); Thủy điện Đray H’linh và Đray H’linh 1 (Công ty Lưới điện cao thế miền Trung). |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc