Để phố bích họa thực sự trở thành không gian nghệ thuật độc đáo
Được xem là công trình tạo điểm nhấn cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ là một trong những điểm hẹn văn hóa giữa lòng đô thị mà người dân địa phương đang chờ đợi.
Với chủ đề Hương sắc Tây Nguyên thể hiện qua tranh vẽ, phố bích họa được kỳ vọng mang đến một không gian văn hóa nghệ thuật mới mẻ, độc đáo, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương; điểm đến để du khách có thể tham quan, chụp hình check-in, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và tương tác cùng các bức tranh.
Khi một số bức vẽ “check-in” đầu tiên xuất hiện, phố bích họa đã được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt, tạo hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội cũng như trong cộng đồng. Điều này cho thấy đây là một chủ trương đáp ứng được sự mong đợi của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, một loạt các bức vẽ sau đó về văn hóa Tây Nguyên lại quá nhiều “sạn”, bộc lộ nhiều bất ổn cả về bố cục nội dung lẫn hình ảnh.
Bức vẽ mô phỏng hoạt động hái cà phê. |
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk bày tỏ quan điểm: “Cả về bố cục lẫn chi tiết của các bức tranh thể hiện quá “nghiệp dư”. Rất nhiều chi tiết sai về logic, không hợp lý mà ai nhìn vào cũng dễ dàng nhận ra như: bức tranh về cô gái đang giã gạo, không logic ở điểm hai cái chày không thể bỏ vào cối cùng một lúc, chưa kể người trong tranh thì quá xấu và sai tỷ lệ. Hơn nữa khi giã gạo phải đứng gần cối, tay phải cong thì mới có lực, nhưng bức vẽ lại không thể hiện đúng điều đó chứng tỏ người vẽ thiếu quan sát. Hay như quả bầu khô gắn với bến nước thì lại vẽ các cô gái cầm bầu khô đi dạo trên cánh đồng hoa dã quỳ; cầu thang nhà dài, nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nhưng được tái hiện quá cẩu thả; bức vẽ thác nước Đray Nur cũng không thể hiện được nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ như nó vốn có; chữ Buôn Ma Thuột phía mặt tường đường Nguyễn Tất Thành quá xấu… Chưa bàn đến yếu tố về trình độ mỹ thuật, là công trình nghệ thuật với mục đích tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo cho Buôn Ma Thuột thì nó phải mang dấu ấn văn hóa, bản sắc của các cộng đồng sinh sống ở địa phương, được kể thành một câu chuyện xuyên suốt, chứ không phải là những bức tranh được sao chép rời rạc với nhiều chi tiết không hợp lý như đã kể trên…”.
Cùng quan điểm, một số họa sĩ thuộc Chi hội Mỹ thuật Đắk Lắk cũng cho rằng: Những bức ảnh được vẽ khá lan man về nội dung, hỏng bố cục; hình họa yếu và màu sắc non nớt; sai tỷ lệ về giải phẫu cơ thể lẫn nhân trắc học… Tất cả những yếu tố cơ bản nhất của hội họa đều dưới mức trung bình. Tranh nghệ thuật đường phố thể hiện trình độ văn hóa, gu thẩm mỹ nghệ thuật của chính địa phương đó, cho nên nếu vẽ qua loa, thiếu trách nhiệm sẽ tạo cho công chúng có cái nhìn dễ dãi, dẫn đến lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ, thậm chí có thể tạo ra hình ảnh méo mó về bản sắc văn hóa vùng miền.
Bức vẽ mô phỏng nét văn hóa đời sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên. |
Còn anh Võ Minh Luân ở TP. Buôn Ma Thuột, người có đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Tây Nguyên chia sẻ, tranh tường nghệ thuật được vẽ trên con đường ở địa phương phải thể hiện nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc nơi đây một cách có thẩm mỹ. Trong khi bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Nguyên vốn đang chịu nhiều áp lực trong quá trình đô thị hóa, ngày càng mai một, thì việc có thêm dự án mỹ thuật này góp phần bảo tồn văn hóa Tây Nguyên là tín hiệu tích cực và đáng mừng. Nhưng tiếc thay, sự thiếu tìm hiểu văn hóa bản địa đã vô tình làm cho con đường bảo tồn văn hóa trở nên xa cách trong mắt chính con người sống ở đây và du khách thập phương, nhất là những ai có tư duy nghệ thuật hội họa. Thường trước một dự án mang tính cộng đồng như vậy phải triển lãm mô hình trước để lấy ý kiến của cư dân thành phố và có sự góp ý của Hội Mỹ thuật địa phương. Cho nên bên tài trợ cũng như những người thực hiện dự án nên có cuộc gặp mặt với các nhà mỹ thuật để xem xét lại và điều chỉnh kịp thời.
Thiết nghĩ, phố bích họa thuộc đề án xã hội hóa, một chủ trương đúng đắn đang được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ, thế nhưng khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, doanh nghiệp thực hiện cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình là tạo ra một công trình văn hóa - nghệ thuật có chất lượng tương xứng để nó thực sự trở thành không gian văn hóa độc đáo, mới mẻ, ấn tượng của đô thị như kỳ vọng và mục tiêu mà đề án đã đề ra.
Theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột trải dài trên khoảng gần 100 m, tại hẻm 02, đường Phan Chu Trinh; quy mô 23 gian hàng có thiết kế mang đặc trưng văn hóa địa phương. Đường sách sau khi đi vào hoạt động sẽ là nơi góp phần tạo dựng, tôn vinh văn hóa đọc; điểm đến trải nghiệm văn hóa, du lịch cũng như văn hóa cà phê của tỉnh; là điểm “check-in”, tương tác của giới trẻ và du khách; sẽ trở thành phố đi bộ, điểm hẹn văn hóa Tây Nguyên giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột - Thủ phủ Cà phê Việt Nam. Với chủ trương xã hội hóa 100% nguồn kinh phí đầu tư, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện; giao Công ty TNHH Truyền thông và Sự kiện Pro chịu trách nhiệm vận động xã hội hóa đầu tư và quản lý vận hành. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc