Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sởi lan rộng, người dân vẫn thờ ơ với việc tiêm phòng

17:31, 22/02/2019

Những ngày qua, số bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Trong khi ngành Y tế đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh này thì không ít người dân vẫn chủ quan, lơ là trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Đưa con trai 14 tháng tuổi vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP. Buôn Ma thuột khám bệnh trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, chị H’Blanh Êban, mẹ của cháu Nguyễn Hoàng (ở thôn 7, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) giãi bày: “Khi thấy con bị sốt, tôi chỉ nghĩ do thời tiết nên mua thuốc hạ sốt cho uống, sau hai ngày thấy cơn sốt không giảm mới đưa vào viện. Khi bác sĩ kết luận cháu bị sởi, tôi rất lo lắng và hối hận vì trước đây không tiêm phòng sởi cho con. May mắn là trải qua 5 ngày điều trị, đến giờ sức khỏe của con tôi cũng dần ổn định, không bị biến chứng nặng".

Cạnh giường bệnh của mẹ con chị H’Blanh Êban là giường bệnh của bé Nguyễn Minh Thuật (sinh năm 2016, ở đường Trần Quý Cáp, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi.  Anh Nguyễn Minh Phương, bố cháu Thuật cho biết: “Thứ 6 tuần trước gia đình phát hiện thấy cháu nổi mẩn đỏ trên người liền đưa vào BVĐK TP. Buôn Ma Thuột khám bệnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho cháu về nhà và dặn chúng tôi theo dõi tình hình bệnh, nếu thấy sốt cao, mắt đỏ thì đưa trở lại viện. Sau một ngày về nhà, cháu bắt đầu sốt cao, đi tiêu chảy nên gia đình đưa cháu nhập viện. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải điều trị bằng kháng sinh đường tiêm”.

Một trẻ mắc sởi điều trị tại BVĐK TP. BUôn Ma Thuột. Ảnh: K.Oanh
Một trẻ mắc sởi điều trị tại BVĐK TP. BUôn Ma Thuột. Ảnh: K.Oanh

Được biết, TP. Buôn Ma Thuột hiện là địa phương có số ca bệnh sởi nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với 68 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 22 trường hợp dương tính với vi rút sởi và chủ yếu được ghi nhận tại xã Cư Êbur (21 trường hợp). Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc BVĐK TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Để đảm bảo công tác khám, điều trị bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi và sởi, bệnh viện đã lập khu cách ly, tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị để tránh tình trạng các ca bệnh biến chứng nặng và lây lan rộng. Đồng thời chúng tôi cũng tăng cường nhân lực từ các khoa khác đến hỗ trợ cho khoa Nhi trong những thời điểm số lượng bệnh nhân tăng đột biến”. 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 21-2, toàn tỉnh đã ghi nhận 153 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 60 trường hợp được xác định dương tính với vi rút sởi, cao hơn số mắc của cả năm 2018. Bệnh đã xuất huyện tại 8/15 địa phương, gồm: TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Ea H’leo, Krông Bông, Cư M’gar, M’Đrắk, Lắk, Krông Ana, Krông Pắc. Đáng chú ý phần lớn số bệnh nhân mắc sởi do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng sởi. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh sởi bùng phát trên địa bàn ngoài nguyên nhân do yếu tố thời tiết thì còn một nguyên nhân nữa xuất phát từ vấn đề di cư tự do. Hầu hết trẻ em theo cha mẹ di cư tự do đều không được quản lý và không được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là tiêm phòng sởi. Đơn cử  như tại một thôn của xã Cư San, huyện M’Đrắk, số lượng trẻ em trong độ tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi chỉ đạt 33%, tỷ lệ này rất khó bảo vệ được trẻ trước bệnh sởi. Tuy nhiên may mắn là không phải địa phương nào cũng thế, mà chỉ xảy ra cục bộ ở một vài địa bàn vùng sâu vùng xa”.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Ảnh: K.Oanh
Tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Ảnh: K.Oanh

Ngay sau khi xuất hiện các ca bệnh sởi, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch sởi như: khoanh vùng, cách ly bệnh nhân sởi, xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; rà soát thống kê trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở các khu vực nguy cơ cao và tiến hành tiêm phòng cho các đối tượng này. Đồng thời tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị cho cán bộ y tế làm công tác điều trị ở các tuyến để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế trường hợp biến chứng nặng và tử vong do sởi.

Có thể thấy, thời tiết hiện đang thuận lợi cho bệnh sởi lưu hành. Trong khi ngành y tế tỉnh đang nỗ lực triển khai công tác tiêm phòng tới các khu vực dân cư, trường học, người dân cũng phải tích cực hợp tác nhằm ngăn chặn bệnh sởi trong cộng đồng.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: “Tất cả những trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi thì nên đến ngay các điểm tiêm chủng để được chủng ngừa, bởi tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp có chi phí thấp nhưng hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi”.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.