Đối mặt với hạn hán (Kỳ 1)
Mặc dầu mùa khô ở Tây Nguyên chưa rơi vào đỉnh điểm (từ tháng 4 đến tháng 6), nhưng tình trạng hạn hán cục bộ đã diễn ra tại một số vùng và dự báo sẽ tiếp tục lan rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Kỳ 1: Đua nhau tích nước chống hạn
Nguồn nước mặt đã bắt đầu cạn kiệt, vì thế hầu hết người làm nông nghiệp đang tìm mọi cách tích nước để tưới cho các loại cây trồng. Biện pháp tối ưu được các nông hộ lựa chọn là be bờ, đắp đập tạm thời trên các dòng suối lớn nhỏ; đồng thời tích cực nạo vét, mở rộng diện tích giếng đào trước đó nhằm trữ nước phục vụ tưới tiêu.
Nông dân trồng cà phê buôn Nao, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột vất vả ngồi chờ nguồn nước tưới. |
Theo ngành nông nghiệp các huyện M'Đrắk, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H'leo, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột, mực nước tại nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn đã sụt giảm đáng kể, không đủ năng lực tưới cho hàng chục nghìn héc-ta cây trồng các loại vào những tháng mùa khô tiếp theo, nên những biện pháp chống hạn trên được người dân cùng chính quyền địa phương đồng loạt triển khai và xem đó như nhiệm vụ cấp bách, được ưu tiên hàng đầu. Ông Nguyễn Hữu Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, bà con nông dân ở đây đã chủ động tìm biện pháp tích trữ nguồn nước mặt cũng như nước ngầm để chuẩn bị đối phó với hạn hán được dự báo là khá gay gắt trong mùa khô năm nay. Hiện tại dung tích nước trong 2 hồ tự nhiên (Ea Nao, Kô Tam và Ea Mneh) của xã Ea Tu còn có thể đáp ứng nhu cầu tưới cho hơn 700 ha cây trồng trên địa bàn, nhất là ở 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân tỏ ra chủ quan, họ vẫn tranh thủ mọi cách tìm nguồn nước để giành, phòng khi tình trạng hạn hán gia tăng.
Trên các con suối như Ea Tu (buôn Nao), Ea Ky (buôn Kô Tam), Ea Ting, Ea Rao Ea Ja (buôn Jù) hiện đã có hàng trăm nông hộ liên kết với nhau theo từng nhóm để đào múc, cơi nới thêm lòng giếng trữ nước. Anh Y Bih Kbuôr ở buôn Ea Nao cho hay suốt gần nửa tháng qua, 9 người trong nhóm của mình đã nỗ lực đào múc thêm gần 6 mét nữa để tưới lúa và cà phê. Tuy nhiên, với lượng nước có được trong giếng (sâu khoảng 20 mét, đáy giếng được khoét rộng thêm 7 mét) cũng chỉ tưới được hơn một giờ là cạn. Những tháng sắp tới, nếu như không có lượng mưa bổ sung thì chắc chắn thời gian tưới sẽ rút ngắn hơn nữa - khoảng nửa tiếng, thậm chí 15 phút là trơ đáy. Nguyên nhân do mạch nước ngầm trong vùng đã suy giảm đáng kể, khiến lượng nước chảy ra từ lòng đất rất yếu so với trước. Anh Y Bih cũng như nhiều người khác cho rằng, tình trạng đó buộc người làm cà phê, lúa và hoa màu phải bỏ công sức, chi phí ra nhiều hơn. Bởi nếu như lượng nước dồi dào thì 1 sào cà phê, hay lúa chỉ cần tưới liên tục trong 2 tiếng đồng hồ là đủ, nay thời gian phải tăng lên gấp 2 – 3 lần, đó là chưa kể thời gian chờ chực lượng nước ngầm chảy ra đủ để tưới cho khoảng 50 gốc cà phê/lượt.
Nông dân buôn Jù bơm nước cứu lúa. |
Có thể nói “cuộc chiến” giành nước ở Đắk Lắk đã thật sự bắt đầu, dù chỉ mới bước vào đầu mùa khô 2019. Những tháng mùa khô tiếp theo, chắc chắn vấn đề nước tưới sẽ "nóng" lên rất nhiều, hạn hán sẽ không dừng lại ở mức cục bộ nữa, mà trở nên phổ biến ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh. Lúc ấy, hàng vạn héc-ta cây trồng sẽ đối mặt với hạn hán như những năm 2008, 2015...
Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong số 554 công trình mà đơn vị này đang quản lý, vận hành thì đến nay đã có một số hồ, đập bắt đầu kiệt nước, nhất là các huyện phía Đông và Đông Bắc của tỉnh. Số còn lại chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% nhu cầu nước tưới. Con số này sẽ tiếp tục sụt giảm nữa trong những tháng tiếp theo, nếu như không có những đợt mưa trái mùa để bổ sung ngưồn nước. |
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc