Multimedia Đọc Báo in

Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất sét trái phép

10:49, 15/03/2019

Thời gian qua, UBND huyện Krông Ana đã có nhiều giải pháp mạnh liên quan đến việc thu gom đất sét trên địa bàn nhằm từng bước đưa hoạt động khai thác loại tài nguyên này đi vào nền nếp.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có buổi trao đổi với ông NGUYỄN MINH ĐÔNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Nguyễn Minh Đông.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Nguyễn Minh Đông.

°Xin ông cho biết việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác đất sét, sản xuất gạch nung trên địa bàn huyện thời gian qua?

Các cơ sở sản xuất sử dụng gạch sử dụng lò đốt thủ công trên địa bàn huyện hình thành từ trước những năm 1980. Đến năm 2007, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện, các lò gạch chuyển đổi sang xây lò đốt theo công nghệ liên tục kiểu đứng thay thế cho lò gạch thủ công.

Căn cứ Công văn số 3640/UBND-NNMTN ngày 28-5-2015 của UBND tỉnh về việc thu gom đất sét sau khi cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Ana, UBND huyện đã giao cho UBND xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp xây dựng phương án thu gom đất sét sau khi cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, UBND huyện giao chính quyền hai địa phương trên hướng dẫn, chịu trách nhiệm quản lý công tác cải tạo phục hồi môi trường, trả lại mặt bằng sau thu gom đất sét. Song trong quá trình hạ điền thu gom đất sét, một số cơ sở chấp hành chưa nghiêm như: hạ điền quá độ sâu cho phép, công tác phục hồi môi trường sau hạ điền thực hiện chưa triệt để.

Đến năm 2017, thực hiện Công văn số 7098/UBND-NNMT ngày 8-9-2017 của UBND tỉnh về việc chấm dứt phương án cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạm dừng cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, UBND huyện đã ban hành Công văn 789/UBND-TNMT về việc chấm dứt phương án cải tạo đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện và ra Quyết định 3469/QĐ-UBND về việc chấm dứt quyền thu gom đất sét sau cải tạo đồng ruộng để sản xuất vật liệu xây dựng. Mặc dù UBND huyện đã ban hành các văn bản nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác đất sét trên địa bàn, song đôi lúc vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất gạch lợi dụng khi không có sự kiểm tra của cơ quan chức năng khai thác lén lút đào múc đất sét trên các cánh đồng.

°Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác đất sét, trong thời gian qua trên cơ sở văn bản của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường phối hợp công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, thu gom đất sét trái phép. UBND huyện cũng giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cắm các biển báo cấm khai thác sét; giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi việc chấm dứt hạ điền thu gom đất sét. Mặt khác huyện tiến hành xây dựng phương án tổng thể để cải tạo phục hồi những khu vực đã khai thác thu gom trước đấy để đưa vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với hiện trạng. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch khoáng sản đất sét, hướng dẫn các cơ sở đủ điều kiện lập hồ sơ cấp phép khai thác đất sét làm nguyên liệu theo quy định.

Biển báo cấm khai thác đất sét được cắm tại một số cánh đồng ở huyện Krông Ana.
Biển báo cấm khai thác đất sét được cắm tại một số cánh đồng ở huyện Krông Ana.

°Theo lộ trình của UBND tỉnh, cho phép các lò gạch đất sét nung tồn tại đến năm 2020. Tuy nhiên UBND huyện Krông Ana lại bắt buộc 50/74 lò gạch trên địa bàn huyện phải đóng cửa vào cuối tháng 12-2018 khiến người lao động thất nghiệp, cuộc sống ngày càng khó khăn. Vậy, UBND huyện Krông Ana đã có giải pháp gì để giải quyết vấn đề khó khăn này của người lao động?

Thực hiện Quyết định 35/2014/QĐ-UBND ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND triển khai Quyết định này. Theo đó, các cơ sở sản xuất gạch nằm trong khu vực đô thị, cách khu vực canh tác <100 m phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31-12-2018, các cơ sở còn lại chấm dứt trước ngày 31-12-2020.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện có ý kiến kiến nghị về việc gia hạn chấm dứt hoạt động lò gạch. UBND huyện đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh đối với các cơ sở này và gia hạn đến 2020. Hiện nay UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo theo Công văn số 707/UBND-CN ngày 24-1-2019 việc về tiếp tục thực hiện Quyết định 35 và đồng thời giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng tham mưu, điều chỉnh theo đề xuất của UBND huyện cũng như một số địa phương đối với các cơ sở lò gạch phải chấm dứt hoạt động trước ngày 31-12-2018.

Bên cạnh đó, để giải quyết những vấn đề khó khăn cho các cơ sở sản xuất gạch, chúng tôi đã thành lập một tổ rà soát về lao động thường xuyên tại các lò gạch, giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì để từ đó có hướng đào tạo nghề theo nhu cầu, giải quyết vấn đề việc làm lâu dài cho người lao động.

°Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.