Multimedia Đọc Báo in

Canh bạc Hoàng Gia… (Kỳ 2)

16:49, 05/04/2019

Kỳ 2: Tình cảnh khóc cười của “nhà đầu tư”

Với cái gọi là "Giải pháp tiêu dùng thông minh", khi thấy đồng tiền sinh lời quá dễ dàng và nhanh chóng, hàng nghìn người đã tham gia Hoàng Gia. Để trở thành người của "đại gia đình Hoàng Gia", rất nhiều người góp vốn vào đây số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng nhưng hỏi tiền của mình đã được đầu tư vào những gì thì gần như chẳng “nhà đầu tư” nào biết.

Chân dung những “nhà đầu tư” của Hoàng Gia là ai? Rất nhiều thành phần trong xã hội nhưng trong đó không ít người là cán bộ hưu trí, những ông bà già đã 70, 80 tuổi, những nông dân không am hiểu nhiều về thương mại điện tử, kinh doanh. Ấy vậy mà với tham vọng đổi đời, chỉ sau khi dốc số tiền lương hưu tiết kiệm, tiền bán cà phê cả một mùa vụ vất vả chăm bón và thậm chí là đi vay cả ngân hàng, họ được gọi là các “nhà đầu tư” và rồi tiếp tục tái đầu tư, mời được người khác tham gia để phát triển hệ thống, một số người được vinh danh bằng những cái tên như quản lý rồi tổng quản, tổng quản 1 sao, tổng quản 2 sao…

 Theo phản ánh của nhiều “nhà đầu tư” trên địa bàn Đắk Lắk, khoảng từ Tết Nguyên đán 2019 đến nay, Hoàng Gia không thực hiện được việc chi trả theo như mô hình vẫn quảng bá về Giải pháp tiêu dùng thông minh. Liên tiếp tại hai buổi “tri ân khách hàng” tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 15-3 và 23-3, “nhà đầu tư” chất vấn về việc không được trả lợi nhuận như hứa hẹn thì đại diện Hoàng Gia thông tin tập đoàn đang khó khăn về mặt tài chính do đầu tư vào một số nhà máy, chuỗi siêu thị; thêm nữa là do bị hacker tấn công nên lỗi hệ thống. Nhiều “nhà đầu tư” yêu cầu trả đúng hợp đồng nhưng không ai được đáp ứng. Theo phản ánh của một số tờ báo, cuối tháng 3 vừa qua, tại Đắk Lắk, cơ quan công an đã tiếp nhận gần 60 đơn tố cáo Tập đoàn Hoàng Gia lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 40 tỷ đồng. Các tờ báo này dẫn chứng một "nhà đầu tư" tên Ng.T.h.Q (ngụ huyện Cư Kuin) được một số người mời góp vốn vào Hoàng Gia để sinh lợi nhuận rất cao, tháng 2-2019, ông Q. đã tham gia 2 gói với tổng số tiền 144 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, ông Q. chưa nhận được đồng nào. Còn ông H. (ở TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu tham gia đầu tư vốn cho công ty này từ tháng 3-2018, đến thời điểm hiện tại ông đã đầu tư 15 gói với tổng số tiền trên 800 triệu đồng. Theo như hợp đồng ban đầu, Hoàng Gia phải chi trả cho ông tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng cả gốc và lợi nhuận nhưng hiện chỉ mới trả được 500 triệu đồng.

Lãnh đạo của Hoàng Gia thuyết trình về các gói đầu tư tại một buổi hội thảo ở TP. Buôn Ma Thuột.
Lãnh đạo của Hoàng Gia thuyết trình về các gói đầu tư tại một buổi hội thảo ở TP. Buôn Ma Thuột.

Trước thông tin này, các “nhà đầu tư” sau những ngày hoan hỉ chờ đợi và hy vọng được đổi đời từ lợi nhuận “khủng” của Giải pháp tiêu dùng thông minh, giờ rơi vào tình cảnh mất ăn mất ngủ. Những điều khoản chi trả với mức hấp dẫn theo như Giải pháp tiêu dùng thông minh giờ được thay thế bằng một thông báo ban hành ngày 28-3-2019 về việc điều chỉnh thời gian, phương pháp trả gốc cho người cho vay vốn. Theo đó, Công ty chính thức dừng việc chi trả các khoản gốc và hỗ trợ tiêu dùng theo Giải pháp tiêu dùng thông minh trong hợp đồng vay vốn mà các bên đã ký. Công ty cùng với người cho vay thống kê các khoản tiền gốc còn lại đến ngày 23-3-2019 theo phương pháp: từng ID cho vay trừ đi số tiền 72 giờ đã nhận, cộng với số tiền gốc đã nhận thành số gốc còn lại. Công ty cam kết hoàn trả số tiền gốc còn lại này trong vòng 20 lần chia đều, mỗi tháng nhận 1 lần nhưng không quên kèm theo điều khoản việc chi trả gốc lần 1 có thể diễn ra sớm hơn tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Không còn những con số thu "khủng" như ký kết trước đây, trong thời gian “nhà đầu tư” chưa nhận đủ số tiền gốc, Hoàng Gia sẽ chi trả lãi suất 1%/tháng theo dư nợ giảm dần.

Kèm theo thông báo thay đổi này, những ngày qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Đỗ Thanh Tâm liên tục gửi các clip trấn an tinh thần “đại gia đình Hoàng Gia”, mong “hãy hoan hỉ, tha thứ, thông cảm cho Hoàng Gia”, cùng chung vai sát cánh và đề nghị những ai đã đâm đơn tố cao thì rút đơn để khỏi xảy ra những điều không mong muốn. Khi chúng tôi gọi vào số máy của ông Tâm ngỏ ý muốn góp vốn đầu tư thì ông Tâm trả lời: "Hiện tại không có vay nữa".

Ngoại trừ những người đã làm đơn tố cáo, nhiều “nhà đầu tư” chỉ còn biết thấp thỏm chờ đợi, cầu mong Hoàng Gia sẽ giữ đúng lời hứa và chỉ cần thực hiện đúng cam kết theo như thông báo cũng đã là may để bảo toàn vốn. Bà X. (huyện Krông Ana) thừa nhận nhiều người trong anh em, họ hàng của gia đình bà đều đã trở thành “nhà đầu tư” của Hoàng Gia. Khi đề cập đến số tiền đã đầu tư và khả năng thanh khoản của Hoàng Gia hiện tại, vợ chồng bà chỉ nhắc đi nhắc lại một câu trả lời: “Chúng tôi chỉ là nhà đầu tư, chúng tôi không biết gì cả”. Còn vợ chồng ông bà H. và con gái (ở TP. Buôn Ma Thuột) cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng vào Hoàng Gia thì chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi và than thân trách phận rằng mất hay được thì cũng do mình, từ lòng tham của mình mà ra.

Sau những tháng ngày hợp tác làm ăn với Hoàng Gia, nhiều “nhà đầu tư” ngộ ra mình đã tham gia một canh bạc, cũng có người thắng đậm, cũng có người bỗng thành trắng tay. Bởi thực tế những người tham gia mời gọi nhiều thì may ra được lời vì được trả hoa hồng, còn các "vệ tinh", nhiều “nhà đầu tư” phía sau thì đến giờ vẫn chưa có lãi, nếu không nói là có khả năng mất trắng.

Tháng 11-2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương đã khuyến cáo người dân cân nhắc khi tham gia vào "Dự án Hoàng Gia". Theo cơ quan này, việc "Dự án Hoàng Gia" đăng tải các thông tin cung cấp giải pháp hỗ trợ tiêu dùng cho cộng đồng, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt, gia tăng thu nhập với rất nhiều tiện ích có dấu hiệu thực hiện huy động vốn theo hình thức đa cấp thông qua cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp này thiết kế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Việt Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.