Khi rừng không còn hoa lan
Thú chơi lan rừng ngày càng được nhiều người theo đuổi. Nắm bắt nhu cầu ấy, không ít dân tình “thổ địa” ở các vùng rừng sở hữu nhiều loài lan quý đã trèo đèo, lội suối lấy về bán cho các thương lái tại chỗ, sau đó được phân phối đi khắp nơi, nhất là TP. Buôn Ma Thuột.
Nghề mưu sinh
Hiện tại ở khu vực ngã ba đường Phan Đình Giót - Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) được giới chơi lan biết đến như một “chợ lan rừng” lớn nhất ở đô thị này. Hằng ngày, chợ lan trên bày bán hàng chục loại lan rừng, trong đó có nhiều loài được đánh giá là quý hiếm như: Hoàng nhạn, Giả hạt, Ngênh xuân, Long tu, Kim điệp, Thủy tiên… vốn được dân chơi lan yêu chuộng. Giá cả tùy loại và cũng tùy theo chất lượng của từng cá thể giống lan. Một chị chuyên bán lan rừng ở đây cho hay, thường thì bán theo giò (bụi lan), hoặc cân lên để tính tiền với giá cả dao động từ vài chục nghìn, cho đến cả triệu đồng/kg.
Nhộn nhịp cảnh mua bán lan rừng tại ngã ba đường Phan Đình Giót - Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). |
Vậy lời lãi thế nào? Qua tìm hiểu thì nhiều người bán lan rừng tại địa chỉ trên cho biết: Ngày nào gặp mối cũng kiếm được vài ba trăm nghìn, tệ hơn thì vài chục nghìn đồng. Bù qua, đắp lại cũng đủ trang trải cuộc sống như một nghề mưu sinh thường nhật. Không có vốn cũng có thể buôn bán được nhờ các chủ vựa phân phối lan rừng cho “nợ gối đầu”. Có nghĩa cứ lấy hàng về bán, sau đó thanh toán lại giữa đôi bên như đã thỏa thuận trước. Cũng nhờ vậy mà “đội quân” bán lan ở ngã ba đường Phan Đình Giót - Lê Duẩn nói riêng và trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói chung ngày càng trở nên đông đảo, nhất là vào dịp lễ, Tết lên tới cả trăm người. Theo đó, số lượng lan rừng được khai thác và bán ra cũng tăng lên, có khi đến vài tạ mỗi ngày.
Khan hiếm lan rừng
Do lượng hàng mua bán ngày một gia tăng như thế, nên việc săn tìm và khai thác lan trong những cánh rừng tự nhiên trên địa bàn Đắk Lắk cũng trở nên sôi động hơn. Những địa danh như Buôn Đôn, Buôn Ya Wầm (huyện Cư M’gar), Cư Yang Sin, Cư Yang Hanh (huyện Krông Bông), Nam Ka, Krông Nô (huyện Lắk), Ea Sô (huyện Ea Kar) cho đến vùng rừng Chư Pah, Hòn Vọng Phu (huyện Ea H’leo)... không khi nào vắng bóng từng tốp người sục sạo tìm lan.
Anh Y Bih Kbuôr ở buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Ngày trước thì chỉ mất 1-2 ngày vào rừng Yok Đôn là kiếm được một bao tải lan. Nay phải đi xa hơn, mất nhiều ngày hơn mới có vài giò, hoặc năm bảy ký lan (nhánh) về bán cho chủ vựa. Thậm chí có những chuyến đi không được một nhánh nào, vì người “ăn lan” nhiều quá. Tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa, rừng sẽ không còn lan và nguy cơ tuyệt chủng một số loài lan bản địa quý hiếm hoàn toàn có thể xảy ra .
Vậy cơ quan, đơn vị chức năng nào có trách nhiệm trước cảnh báo trên? Đến nay, vẫn chưa có ai lên tiếng cả, tình trạng khai thác bừa bãi, vô tội vạ lan rừng vẫn cứ diễn ra. Quần thể thực vật này đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng, khiến vốn tài nguyên rừng (trong đó có các loài lan) suy giảm nhanh chóng cả về cá thể gen lẫn tính chất đa dạng sinh học trong những cánh rừng Đắk Lắk. Câu hỏi đi về đâu những loài lan rừng quý hiếm ở đây, mong nhận được sự quan tâm từ phía cơ quan, đơn vị hữu trách.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc