Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên: Phải tạo sức lan tỏa và sự thu hút (Kỳ 1)
Việc xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên không chỉ vì lợi ích phát triển riêng của tỉnh Đắk Lắk hay của thành phố mà đó là vì lợi ích của cả vùng, của quốc gia. Do đó, để xứng tầm là đô thị trung tâm, có vai trò dẫn dắt cả vùng, ngoài nỗ lực của địa phương, Buôn Ma Thuột rất cần sự quan tâm, đầu tư nguồn lực để tạo bước đột phá…
Kỳ 1: Xây dựng thủ phủ của tỉnh?
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020), dù đạt một số kết quả khả quan, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, đến nay thành phố vẫn còn nhiều việc cần phải làm...
Tầm vóc thành phố cao nguyên
Kết quả nổi bật nhất của TP. Buôn Ma Thuột sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 là: tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2018 đạt 61.566 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,38%; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần. Giai đoạn 2010-2018, TP. Buôn Ma Thuột có 35 dự án phát triển đô thị được phê duyệt, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước 2010. Đến nay, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tiến bộ; các công trình, dự án trọng điểm được triển khai đầu tư; hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ, bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên...
Một thành tựu nổi bật nữa của Buôn Ma Thuột là đến cuối năm 2108, thành phố đã cơ bản hoàn thành 152/152 chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được coi trọng với nhiều lễ hội được phục dựng, tái hiện và đưa vào hoạt động du lịch; thường xuyên mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm… cho lớp trẻ nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia |
Có thể nói, trong 10 năm qua, từ các nguồn hỗ trợ và sự nỗ lực của địa phương, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Sự hiện diện của những công trình như: đường vành đai phía Tây, đại lộ Đông – Tây, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, các khu đô thị mới, khu du lịch, cơ sở giáo dục… đã góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố khang trang, hiện đại hơn. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội vùng ngoại thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao…
Chưa thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng
Mới đây, tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020 và chiến lược xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại diện các bộ, ngành và các nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra: so với các chỉ tiêu của đô thị loại I trực thuộc Trung ương dù Buôn Ma Thuột đã đạt và vượt nhiều tiêu chí nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá; chưa thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng.
Lễ tái hiện dựng cây nêu cầu an tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nêu rõ: Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn còn yếu kém rất nhiều mặt, nhất là về dịch vụ, công nghiệp. Đã không có cảng biển, cũng không có sân bay quốc tế thì làm sao tạo được sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, nhất là đầu tư công nghiệp chế biến. Đơn cử như ngay chính việc phát triển lợi thế về cà phê cũng không thực hiện được khi mà chỉ mới tập trung trồng thật nhiều cây cà phê, sau đó lại chở hạt cà phê thô xuống Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... để chế biến sâu và phân phối mà không thực hiện tại địa phương. Thực tế cách phát triển Buôn Ma Thuột trong 10 năm qua cơ bản vẫn chỉ là xây dựng “Thủ phủ của tỉnh” chứ chưa tập trung ưu tiên đúng tầm, vẫn theo lối “ăn đong, có đến đâu, làm đến đấy”.
Còn theo Giáo sư danh dự, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quá trình phát triển của thành phố đã bộc lộ một số hạn chế và phát triển thiếu bền vững. Đó là chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá. Công tác đầu tư, xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột bị ảnh hưởng chính sách tài khóa, nhiều quy hoạch không có vốn đầu tư để thực hiện, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng đồng bộ của thành phố. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập; một số đồ án quy hoạch còn thiếu tầm nhìn dài hạn đã làm chậm cơ hội đầu tư và thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư vào đô thị; việc sử dụng năng lượng, tài nguyên còn lãng phí… Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đô thị, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng Tây Nguyên vẫn chưa được chú trọng bảo tồn...
Với xuất phát điểm của Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk và cả vùng Tây nguyên còn thấp về điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục... nên để hoàn thành được mục tiêu mà Kết luận số 60-KL/TW đề ra là điều không dễ, không phải thực hiện một sớm một chiều. Do đó, để giải quyết những tồn tại, bất cập trên cần phải có những cơ chế, chính sách và các giải pháp thích hợp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa giúp Buôn Ma Thuột sớm xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2017, dù tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 3/5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng lại là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa tăng nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại. Cụ thể, Đắk Lắk tăng 2,4%, Lâm Đồng 1,7%, Gia Lai 1,1%, Kon Tum 0,5% và tỉnh Đắk Nông không thay đổi. |
(Còn nữa)
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc