Multimedia Đọc Báo in

Vấn nạn "tín dụng đen": Nhận diện đúng để có giải pháp hữu hiệu

09:27, 02/05/2019

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều nỗ lực cùng với các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp tài chính, góp phần hạn chế “tín dụng đen” đã và đang hoành hành ở mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhiều ngân hàng đã đưa ra những giải thiết thực để góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”. Các giải pháp kỹ thuật như cải cách thủ tục cho vay theo hướng nhanh – gọn; đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; mở rộng mạng lưới hoạt động…

Có ngân hàng đã xây dựng hẳn gói cho vay ưu đãi phục vụ tiêu dùng (gói 5.000 tỷ đồng của Ngân hàng NN-PTNT); đẩy mạnh các chương trình cho vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ (cho vay theo Nghị định 55, Nghị định 116)… đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thế nhưng, vấn đề cốt lõi để hạn chế nạn “tín dụng đen” là làm thế nào để giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nó. Bởi “tín dụng đen” biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau, không chỉ lãi suất “cắt cổ”, thu nợ bằng nhiều hình thức mang tính bạo lực mới gọi là “tín dụng đen” mà trong thực tế những “biến thể” đang âm thầm “hút máu” dân nghèo. Chẳng hạn, nhiều vùng nông thôn hiện tồn tại hình thức “ứng trước” cho bà con nông dân vật tư nông nghiệp, nhu yếu phẩm, thậm chí là tiền mặt, đến cuối mỗi vụ thu hoạch nông sản mới phải trả. “Tốt vay dày nợ”, phần vì khó khăn, phần vì “ứng” quá dễ nên rất nhiều bà con ở khu vực nông thôn có “dư nợ” dạng này tại các cửa hàng, đại lý trong vùng.

Điều đáng nói ở đây là dù “ứng” theo hình thức nào thì tất cả đều quy ra tiền để trả và phải trả thêm lãi cho khoản ứng đó. Lãi suất phổ biến hiện nay thấp nhất là từ 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nếu không trả đúng hạn, lãi suất sẽ được cộng thêm vào phần gốc để tính lãi. Chưa trả xong gốc lại còn gánh thêm khoản “lãi mẹ đẻ lãi con” nên nhiều người không thể trả nợ, buộc phải gán nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ. Hình thức cho vay này không quá ồn ào, lãi suất nghe qua rất nhẹ nhàng, nhưng nếu tính ra, chỉ tính lãi suất của tiền vay gốc đã lên đến 36%/năm, còn cách thu hồi vốn cũng cho thấy sự nghiệt ngã chẳng kém loại hình “tín dụng đen” nào.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Ea Kar kiểm tra hiệu quả vốn vay tại một hộ dân trên địa bàn xã Cư Êlang.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Ea Kar kiểm tra hiệu quả vốn vay tại một hộ dân trên địa bàn xã Cư Êlang.

Nhu cầu vay vốn dạng trên là có thực, thậm chí là đã tồn tại từ rất lâu, bởi nó đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân một cách dễ dàng nhất. Nhưng khi được hỏi có biết vay như vậy có lãi suất bao nhiêu phần trăm không, rất ít người trả lời được mà chỉ đơn giản là “có 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày ấy mà”. Do vậy, vấn đề làm thế nào để giúp người dân hiểu, nhận diện “tín dụng đen” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc cần phát huy hết vai trò của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội. Những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động… là những tổ chức gần dân, hiểu được khó khăn của dân nhất. Những tổ chức này có khả năng phối hợp với ngành Ngân hàng thực hiện các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua tổ tiết kiệm - vay vốn; qua đó tuyên truyền, giới thiệu kênh cung ứng vốn chính thức để người dân tiếp cận dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Cùng với đó, thông qua các quỹ tài chính của tổ chức có thể đáp ứng phần nào nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo. Và sâu hơn nữa là “cầm tay chỉ việc” để phát huy hiệu quả vốn vay.

Trên thực tế, thời gian qua các tổ chức đoàn thể đã có những hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ hội viên, đoàn viên trong việc xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng với tình hình hiện nay, để hạn chế “tín dụng đen”, song song với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng, triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững..., rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức của người dân về "tín dụng đen".

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.