Multimedia Đọc Báo in

Nan giải vấn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng

09:34, 11/07/2019

Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể, nhiều vụ việc được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tuy vậy, ở một số địa phương, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy vẫn diễn ra khá phức tạp khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 404 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 527,6 m3 gỗ, 168 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 7,26 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018 số vụ vi phạm đã giảm 253 vụ, lâm sản tịch thu giảm 41,8 %, phương tiện tịch thu giảm 46%.

Một diện tích rừng của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk bị chặt phá.
Một diện tích rừng của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk bị chặt phá.

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp. Theo thống kê, toàn tỉnh có 211 ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm làm nương rẫy. Trong đó có một số vụ phá rừng để chiếm đất với quy mô lớn. Cụ thể, vào ngày 26-2, lực lượng QLBVR của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk trong quá trình tuần tra đã phát hiện tại tiểu khu 296 khu vực rừng giáp ranh giữa xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) có 3 khoảnh rừng bị phá với diện tích 8,13 ha. Tại hiện trường, hàng trăm cây gỗ như chiêu liêu, dầu, cà chít… với đường kính gốc cây từ 4 - 20 cm bị đốn hạ bằng cưa xăng nằm ngổn ngang. Tiếp đó, cũng tại tiểu khu này, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một vụ phá rừng khác với diện tích rừng bị hủy hoại hơn 11 ha.

 

“Bên cạnh những nỗ lực của địa phương, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã có 6 văn bản báo cáo, kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách của Nhà nước trong công tác QLBVR như: việc triển khai các dự án cải tạo rừng; công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng hằng năm; một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay…”.

 

 
Ông Y Sy H’đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm

Tại khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý, tình trạng phá rừng để lấn chiếm đất cũng diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và xã Cư M’lan (huyện Ea Súp). Ông Lê Danh Khởi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết, vào ngày 6-2, lực lượng của đơn vị phát hiện tại khoảnh 6, tiểu khu 444 khu vực rừng do đơn vị quản lý bị lâm tặc đốn hạ khoảng 1 ha. Tiếp đó vào ngày 23-2, tại tiểu khu 453 phát hiện thêm một vụ phá rừng trên diện tích 1,86 ha, tổng cộng có đến 623 cây gỗ lớn nhỏ khác nhau bị đốn hạ.

“Đây là khu vực rừng nghèo kiệt, chủ yếu là những cây gỗ nhỏ và gỗ tạp không có giá trị thương mại. Tất cả những cây gỗ bị đốn đều bỏ lại hiện trường. Điều này cho thấy các đối tượng phá rừng không nhằm mục đích lấy gỗ mà là chiếm đất trái pháp luật”, ông Khởi nhận định.

Tương tự, tại huyện Krông Bông, khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cũng chịu áp lực rất lớn từ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên lâm phần đơn vị quản lý đã có hơn 80 vụ phá rừng để lấn chiếm đất được phát hiện với 17 ha rừng bị "cạo trọc". 

Theo ông Y Sy H’đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp khiến công tác QLBVR ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do đời sống của một bộ phận lớn người dân còn khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng, nhu cầu về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp ngày một tăng.

Đặc biệt số dân di cư tự do ngoài kế hoạch vẫn ngày một tăng lên, hiện có hơn 4.000 hộ dân di cư ngoài kế hoạch với khoảng 20.000 dân đang sống ở khu vực rừng.  Trong khi đó, năng lực QLBVR của một số chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án nông lâm nghiệp, UBND cấp xã còn yếu kém do thiếu kinh phí, lực lượng, phương tiện, công cụ; một số nơi còn chủ quan buông lỏng quản lý dẫn đến rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật.

Một căn nhà dựng trái phép trên đất rừng tại xã Cư M'lan (huyện Ea Súp).
Một căn nhà dựng trái phép trên đất rừng tại xã Cư M'lan (huyện Ea Súp).

Ông Y Sy H’đơk cho rằng: Để công tác QLBVR đạt được hiệu quả cao hơn, các lực lượng chức năng, chủ rừng và các địa phương cần tăng cường lực lượng tuần tra ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng; kiểm tra thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép; giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng giữa chủ rừng và người dân… Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tập trung nguồn lực để ổn định số dân di cư hiện tại, không để tình trạng dân di cư tự do tiếp diễn, đồng thời tập trung các giải pháp tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân sống xung quanh các khu rừng thì mới giữ vững an ninh lâu dài cho những cánh rừng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.