Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường ở phường Tân Hòa

09:50, 09/08/2019
Theo phản ánh của người dân khu dân cư liên gia 6 (tổ dân phố 9, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), gần 7 năm qua họ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do việc chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Văn Hải.
 
Gia đình ông Hải chuyển đến khu dân cư liên gia 6 cách đây hơn 10 năm. Trên diện tích đất 150 m2, ông Hải dùng 110 m2 làm nơi sinh sống cho gia đình, phần còn lại xây dựng 2 chuồng nuôi khoảng 20 con heo thịt/đợt. Ban đầu, ông Hải có xây 2 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, sau 3 năm hầm biogas đầy, ông Hải để nước thải chăn nuôi chảy lênh láng thấm qua tường gạch sang vườn, nhà của các hộ dân sống xung quanh.
 
Một số hộ dân ở gần khu vực chăn nuôi của ông Hải đã đào đất đắp cao sát tường để ngăn nước thải không chảy sang vườn nhà mình. Ông Huỳnh Thượng Tri, sống cách chuồng nuôi heo nhà ông Hải 10 m bức xúc: “Chuồng nuôi heo nhà ông Hải nằm đối diện với nhà của hai hộ dân và gia đình tôi nên hầu như quanh năm chúng tôi phải hít thở bầu không khí nặng mùi, ăn cơm thì đóng chặt cửa. Ngày nắng thì ruồi, còn ngày mưa thì nước thải từ hầm biogas xả thẳng ra vườn, mỗi lần ra làm cỏ, chăm cây đều ngao ngán”.
 
Người dân khu liên gia 6 (tổ dân phố 9, phường Tân Hòa) bức xúc việc hộ ông Nguyễn Văn Hải để nước thải chăn nuôi chảy trực tiếp ra môi trường.
Người dân khu liên gia 6 (tổ dân phố 9, phường Tân Hòa) bức xúc việc hộ ông Nguyễn Văn Hải để nước thải chăn nuôi chảy trực tiếp ra môi trường.
Đầu năm 2018, ông Hải khắc phục việc gây ô nhiễm bằng cách đào một hố nhỏ trên khu đất trống của nhà bên cạnh để chứa nước thải. Tuy nhiên, do khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông nằm trên khu đất cao hơn nên chỉ cần một trận mưa nhỏ, hoặc mỗi khi vệ sinh chuồng, xả hầm biogas, nước thải lại men theo hướng xuôi chảy qua bốn gia đình khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt của các hộ lân cận.
 
Ông Nguyễn Hoàng Văn sống ở phía sau nhà ông Hải bức xúc: "Chuồng heo của ông Hải ở trên khu đất cao hơn, do đó các gia đình phía dưới không khác gì là nơi chứa nước thải chăn nuôi. Trước đây, giếng nước của gia đình phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tưới rau, nhưng gần đây chúng tôi không dám dùng nữa, việc tưới rau đều trông chờ vào kênh thủy lợi. Nhà tôi có con nhỏ nhưng liên tục phải "cấm cửa" không cho ra ngoài vì ô nhiễm không khí; có vườn, có sân nhưng cứ trời mưa lại thấy nước đen, hôi chảy từ trên nhà ông Hải xuống nên không dám cho cháu chơi vì sợ nhiễm bệnh...”.
 
Việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường của hộ ông Hải đã diễn ra từ lâu và ảnh hưởng hơn 10 hộ dân sống xung quanh. Song vì tình làng nghĩa xóm, chia sẻ với vợ chồng ông Hải rất chịu khó làm lụng nuôi con ăn học nên các hộ dân ở khu liên gia 6 cũng chỉ nhỏ nhẹ góp ý để vợ chồng ông chuyển đổi ngành nghề, hoặc thuê mướn đất ở khu vực xa dân cư hơn để chăn nuôi.
 
"Ban tự quản tổ dân phố 9 cũng đã nhiều lần nhắc nhở, tư vấn cách xử lý hầm biogas cho gia đình ông Hải. Đồng thời yêu cầu các hộ dân xung quanh làm một đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng nếu ông Hải vẫn không xử lý" - ông Phạm Ngọc Anh, Tổ trưởng tổ dân phố 9 cho biết.
 
Người dân khu dân cư liên gia 6 mong mỏi UBND phường Tân Hòa chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, yêu cầu ông Nguyễn Văn Hải sớm xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định để không phát tán mùi hôi, nước thải ảnh hưởng đến khu dân cư; đồng thời tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi sớm di dời vị trí chăn nuôi ra xa khu dân cư.
 
Hoàng Ân

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.