Multimedia Đọc Báo in

Ứng xử giữa "cơn bão dịch bệnh"

21:26, 31/01/2020
Những ngày qua, bệnh đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ lây lan nhanh, số lượng người bị nhiễm và tử vong khá cao. Thế nhưng, trong khi cả thế giới nói chung, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp trong nước nói riêng đang nỗ lực chống lại sự lây lan của dịch bệnh này thì cũng có không ít hành động rất đáng lên án.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc thì Việt Nam là một trong những quốc gia có phản ứng khá sớm từ Trung ương đến các địa phương. Theo kịch bản hiện nay, tình huống dịch nCoV ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 là có ca bệnh xâm nhập, ngành Y tế đã sẵn sàng với cấp độ 2 là có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và đã có phương án để ứng phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế ngoài việc tiếp tục triển khai kịch bản này theo hướng chi tiết hơn còn phải tính đến tình huống xấu hơn là có hàng nghìn người bị nhiễm. Đồng thời, Bộ Y tế phải chủ động thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh do nCoV ở Việt Nam và trên thế giới. Sự chuẩn bị này là hết sức cần thiết để bảo đảm việc chủ động ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Và theo cập nhật mới nhất của ngành Y tế, đến nay trên cả nước có 5 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó hai công dân Trung Quốc thì một người đã khỏi. Ba công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh đều từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về thì một ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, hai trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiểm tra, đánh giá khả năng ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiểm tra, đánh giá khả năng ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: Bộ Y tế)
 
Không chủ quan, nhưng có thể nói là dịch nCoV tại Việt Nam đang hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn. Thế nhưng những ngày qua, nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, không có căn cứ trên mạng xã hội đã tạo nên sự hoang mang rất lớn trong cộng đồng. Ở nhiều địa phương mặc dù chưa xuất hiện người bệnh nhiễm dịch nCoV, nhưng một số đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo lại tung tin là đã có bệnh nhân bị lây nhiễm. Đáng tiếc là những thông tin sai sự thật nhanh chóng được nhiều người chia sẻ, bình luận và tỏ ra hoang mang, lo sợ. Chưa hết, nhiều cơ sở kinh doanh dược, vật tư y tế cũng bắt đầu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh, sự hoang mang của người dân để "găm hàng", nâng giá kiếm lời. Đành rằng, những hành vi đó đã và sẽ bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, những hành động trên rất đáng lên án. Bởi trong hoàn cảnh hiện nay, những hành động đó sẽ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. 
 
Trong hoàn cảnh dịch nCoV đang có những diễn biến phức tạp, cần lắm văn hóa ứng xử phù hợp của bản thân mỗi người. Bên cạnh việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, mỗi người cũng cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, tránh sự hoang mang, phản ứng thái quá và tuân thủ nghiêm túc mọi khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc phòng, chống dịch nCoV. 
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.