Nạn nhân chất độc da cam rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cả cộng đồng
Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và truyền thống đạo lý của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 54 năm “Thảm họa Da cam ở Việt Nam” (10-8-1951 – 10-8-2015) và Tháng hành động vì NNCĐDC, phóng viên Đắk Lắk điện tử đã có cuộc trao đổi với ông NGÔ SONG HÀO, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh trao quyết định bàn giao nhà Tình nghĩa cho gia đình nạn nhân da cam ở huyện Krông Pắc |
* Ông có thể cho biết khái quát tình hình nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh ta?
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk là địa bàn chiến lược quan trọng của Tây Nguyên, là hành lang xuyên suốt chi viện cho chiến trường B2 của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do đó, quân đội Mỹ đã tập trung đánh phá rất ác liệt cả ngày lẫn đêm không những bằng bom đạn mà còn rải chất độc hóa học có chứa chất Dioxin vào các khu căn cứ cách mạng, để lại hậu quả rất nặng nề, lâu dài. Qua điều tra, toàn tỉnh có 5.278 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin, trong đó có 3.460 người hoạt động kháng chiến, 1.591 dân thường, 112 người là thế hệ thứ ba… Đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng cho 1.561 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, số còn lại chưa xác lập được hồ sơ do giấy tờ thất lạc, hồ sơ bệnh tật chưa đầy đủ, một số bị bệnh theo danh mục bệnh tật quy định của Bộ Y tế nhưng thời gian điều trị còn ít nên chưa được xem xét... Phần lớn những người bị phơi nhiễm chất độc da cam đều bị các bệnh ung thư và nhiều bệnh nan y khác, con cháu của họ bị dị dạng, dị tật, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
*Với việc tích cực triển khai các phong trào thi đua và những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC của các cấp Hội đã góp phần giúp đỡ, hỗ trợ như thế nào cho các nạn nhân và gia đình họ, thưa ông?
Để chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau của các gia đình có NNCĐDC, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 78/2004/QĐ-UBND, ngày 14-12-2004 về việc thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển, kiện toàn tổ chức Hội ở 15 huyện, thị xã, thành phố và 59 xã, phường, thị trấn với 3.391 hội viên. Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Trung ương Hội phát động đã được các cấp Hội hưởng ứng, triển khai thực hiện tốt. Bên cạnh việc đề xuất với các cấp lãnh đạo và ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ cho những người bị phơi nhiễm, tư vấn cho họ làm thủ tục hồ sơ theo quy định, các cấp Hội cũng tích cực vận động xây dựng quỹ nhằm có thêm nguồn lực trợ giúp cho NNCĐDC. Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, các cấp Hội đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đóng góp xây dựng quỹ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền và hiện vật trị giá gần 6,6 tỷ đồng. Tiêu biểu như các đơn vị: Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Đắk Lắk, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Công ty Cà phê Đắk Man… đã trích lương, nguồn lợi kinh doanh đóng góp, ủng hộ thường xuyên cho quỹ. Đặc biệt, có ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ủng hộ toàn bộ số tiền trợ cấp chất độc da cam hằng tháng cho quỹ. Từ nguồn quỹ trên, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng 62 căn nhà Tình nghĩa cho nạn nhân da cam với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng và giúp sửa chữa 27 căn nhà; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng trị giá trên 3,2 tỷ đồng; trao học bổng, xe lăn, sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn đột xuất và hỗ trợ vốn sản xuất cho hàng trăm nạn nhân da cam. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống của gia đình các nạn nhân da cam dần được cải thiện đáng kể.
* Hiện nay công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ NNCĐDC đang gặp phải một số khó khăn nhất định do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, nhân Tháng hành động vì NNCĐDC (10-8), ông có điều gì muốn nhắn gửi đến toàn xã hội?
Thấm nhuần truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến các gia đình NNCĐDC. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng đã có những việc làm thiết thực giúp đỡ, xoa dịu nỗi đau da cam. Tuy nhiên, số đối tượng được giúp đỡ, thụ hưởng còn quá ít so với khó khăn mà họ đang gặp phải. Nguyên nhân là do hoạt động của các cấp Hội chưa đồng đều; cán bộ Hội đa số là kiêm nhiệm hoặc là người đã nghỉ hưu, sức khỏe yếu, chưa có kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động còn hạn chế; việc huy động quỹ ngày càng khó khăn; sự phối hợp của các ngành chức năng chưa chặt chẽ, thường xuyên… Do vậy, nhân kỷ niệm 54 năm “Thảm họa Da cam ở Việt Nam” (10-8-1961 – 10-8-2015) và Tháng hành động vì NNCĐDC, Thường trực Tỉnh Hội mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm, tạo điều kiện đối với hoạt động của Hội; tích cực đóng góp, ủng hộ quỹ nhằm chăm lo tốt hơn cho các nạn nhân. Tôi tin tưởng rằng, bằng hành động và nghĩa cử cao đẹp của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh sẽ góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi, đem lại cho nạn nhân da cam sự ấm áp, niềm hy vọng để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
*Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc