Multimedia Đọc Báo in

Sẽ hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho đối tượng hộ cận nghèo từ nguồn ngân sách địa phương

01:17, 06/09/2015

Nghị quyết số 21 - ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020 đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, tính đến hết tháng 7-2015, tỷ lệ dân số tham gia BHYT ở Đắk Lăk mới đạt gần 70% tổng dân số toàn tỉnh. Vậy, làm thế nào để Đắk Lắk thực hiện được mục tiêu nói trên. Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa Báo Đắk Lắk với bà NGUYỄN THỊ XUÂN, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh.

* Bà có thể khái quát đôi nét về việc triển khai BHYT ở tỉnh ta tính đến thời điểm này?

Có thể nói BHYT là một trong những trụ cột để thực hiện chính sách về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, việc triển khai công tác BHYT ở tỉnh Đắk Lắk đạt được kết quả đáng khích lệ, đã cân đối được thu chi. Công tác phát triển đối tượng đến ngày 30-7-2015, toàn tỉnh đã có 1.256.000 người dân tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ gần 70% dân số.

* Có một thực tế là sau hơn 7 tháng thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, số người tham gia BHYT trên địa bàn tăng ít hơn so với trước, đặc biệt, việc triển khai BHYT theo hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, theo bà nguyên nhân do đâu?

Sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình bước đầu còn có những khó khăn, vướng mắc từ phía người dân về thủ tục kê khai, số tiền mua một lần tương đối lớn…. dẫn đến việc vận động, tuyên truyền cũng như thu nộp của các đại lý thu, cơ quan BHXH còn nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời những vướng mắc nêu trên, ngày 12-3-2015 BHXH Việt Nam đã có Công văn số 777/BHXH-BT về việc hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT, theo đó nếu sau ngày 1-1-2015 mà cá nhân vẫn tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho bản thân cá nhân đó hoặc hộ gia đình; những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia BHYT, khi tham gia thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Từ 1-1-2016 trở đi, toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT hộ gia đình.

* Bên cạnh khó khăn nói trên, việc trốn đóng BHYT ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng làm ảnh hưởng đến việc gia tăng dân số tham gia BHYT cũng như làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Bà có thể cho biết BHXH tỉnh đã có biện pháp xử lý như thế nào đối với vấn đề này?

Tình hình nợ đọng BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, tính đến 30-7-2015 toàn tỉnh nợ BHYT là 17,544 tỷ đồng. Cùng với nợ đọng, tình hình trốn đóng BHXH, BHYT cũng diễn ra phổ biến, phần lớn là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT chiếm khoảng 30%, việc này làm ảnh hưởng đến việc tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Do vậy, để hạn chế tình trạng này, BHXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật, hoặc khởi kiện ra tòa, đưa danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến người sử dụng lao động, người lao động về các quy định của Luật BHXH, BHYT để các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tự ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình.

* Trước những khó khăn này, để thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia BHYT, tỉnh đã có giải pháp gì khuyến khích người dân tham gia BHYT, thưa bà?

Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể. Đó là, đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương để huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các ngành, các cấp để tuyên truyền sâu rộng các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại BHXH huyện, đại lý thu Bưu điện, đại lý thu UBND xã, phường và mở rộng hệ thống đại lý thu để đáp ứng yêu cầu của người dân tham gia BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như nhận và trả hồ sơ BHXH, BHYT qua hệ thống bưu điện, kê khai thủ tục BHXH, BHYT qua mạng internet, thực hiện thủ tục hành chính nhanh, gọn, kịp thời… nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại cơ quan BHXH. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho đối tượng hộ cận nghèo; chỉ đạo các ngành chức năng lập danh sách đối tượng hộ lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT để tuyên truyền vận động các đối tượng này tham gia BHYT nhằm tăng độ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.

* Xin cảm ơn bà!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.