Cải cách hành chính để tăng sự hài lòng của người dân
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗ lực của ngành Y tế, đến nay tỷ lệ người dân trong tỉnh tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) tăng đáng kể. Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông DOÃN HỮU LONG, Giám đốc Sở Y tế xung quanh việc thực hiện chính sách BHYT.
°Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác khám, chữa bệnh BHYT thời gian qua?
-Sở Y tế đã tăng cường củng cố mạng lưới y từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh để đáp ứng khả năng cung ứng các dịch vụ khám chữa, bệnh cho bệnh nhân nói chung và đối tượng có thẻ BHYT nói riêng. Có thể thấy, dù ngành Y tế Đắk Lắk có những khó khăn nhất định như: thiếu nguồn nhân lực 20% so với vị trí việc làm; tỷ lệ gường bệnh ở các cơ sở y tế công lập mới đạt 22 giường bệnh/10.000 dân trong khi tỷ lệ bình quân của cả nước là 25 giường bệnh/10.000 bệnh nhân; một số cơ chế chính sách còn bất cập; thu nhập của cán bộ y tế chưa tương xứng với cống hiến… Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ngành Y tế tỉnh đã không ngừng nỗ lực cố gắng và đã đạt được những kết quả khả quan. Ngay từ ở tuyến cơ sở, người dân đã được hưởng các dịch vụ cao như: siêu âm, điện tim, xét nghiệm. Còn ở tuyến tỉnh thì các dịch vụ về cận lâm sàng đã được đưa vào gồm: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm, cộng hưởng từ...), nội soi, điện tim, điện não...
Hiện nay, nhiều kỹ thuật y tế khó đã được thực hiện tại tỉnh thay vì người bệnh phải về thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội mới thực hiện được. Đơn cử như gần đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai thành công đặt stent động mạch cảnh cho bệnh nhân.
°Những trường hợp bệnh nặng, người tham gia BHYT không điều trị tại tuyến y tế cơ sở mà đi thẳng lên tuyến trên (vượt tuyến) thì Quỹ BHYT sẽ chi trả cho những trường hợp này như thế nào, thưa ông?
-Những bệnh thuộc diện cấp cứu thì ở tuyến nào cũng được thanh toán 100% BHYT. Còn những bệnh vượt tuyến mà không thuộc dạng cấp cứu, nếu điều trị nội trú ở tuyến Trung ương thì chỉ được thanh toán 40%, tại tuyến tỉnh thanh toán 60% và tuyến huyện là 100% so với đúng tuyến. Nếu điều trị ngoại trú thì tuyến Trung ương và tuyến tỉnh không được thanh toán, còn tuyến huyện vẫn được thanh toán 100%.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: K. Oanh |
°Thưa ông, tình trạng trục lợi BHYT là vấn đề đáng lo ngại, vậy đâu là các giải pháp được ngành Y tế đưa ra nhằm ngăn hành vi này?
-Trước hết, ngành Y tế có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về khám, chữa bệnh BHYT đến người dân. Một lần nữa cần khẳng định rằng Quỹ BHYT chỉ để phục vụ điều trị cho người bệnh chứ không phải để tầm soát bệnh hay điều trị không đúng tính chất bệnh tật. Ngành Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng quy trình, quy chế và phác đồ chẩn đoán, điều trị trên cơ sở đó giúp cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tại cơ sở khám, chữa bệnh. Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng sự hài lòng của người bệnh, những năm qua ngành Y tế Đắk Lắk đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh, quản lý. Theo đánh giá, ngành Y tế Đắk Lắk hiện đứng tốp 3 toàn quốc về liên thông thanh toán BHYT nhờ ứng dụng công nghệ thông tin một cách bài bản, đồng bộ. Còn về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin thì ngành Y tế Đắk Lắk đứng thứ 2 toàn quốc. Cùng với đó, ngành Y tế thường xuyên phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội kiểm tra, kiểm soát các cơ sở khám, chữa bệnh, thậm chí kiểm tra đối với một số đối tượng nghi ngờ ngay tại cộng đồng; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cá nhân vi phạm, nếu tái phạm có thể đình chỉ khám, chữa bệnh BHYT.
°Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc