Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính

06:56, 24/03/2018

Công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quan trọng trong cải cách và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông RA LAN TRƯƠNG THANH HÀ đã có những chia sẻ trong chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

°Xin ông cho biết khái quát về kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong năm qua?

Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong năm qua được thực hiện trên hệ thống Cổng Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Đắk Lắk tại địa chỉ http://motcua.daklak.gov.vn.

Hệ thống đã triển khai điện tử hóa các quy trình, lập trình, cấu hình thiết lập các phương tiện, công cụ thực hiện việc cung cấp thông tin dịch vụ hành chính công mức độ 2 (đã cung cấp thông tin hướng dẫn, thực hiện được 1.099 thủ tục hành chính), tiếp nhận hồ sơ qua mạng đối với các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công mức độ 3 (đã cấu hình tiếp nhận 434 thủ tục hành chính), giải quyết, trả kết quả giải quyết các thủ tục được cung cấp dịch vụ công mức độ 4 (đã cấu hình thực hiện đối với 32 thủ tục hành chính). Riêng đối với các dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4, đã có quy định mới ban hành của Chính phủ, có thể thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

Năm qua, hệ thống đã tiếp nhận, xử lý 35.466 hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 2; 682 hồ sơ thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ mức độ 3 và hồ sơ mức độ 4 không đáng kể. Theo tôi, kết quả lớn nhất đạt được trong quá trình triển khai hoạt động Cổng Dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh là góp phần tác động, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và thay đổi thói quen làm việc cũ phụ thuộc vào giấy tờ hành chính sang thói quen làm việc mới trên phần mềm ứng dụng hỗ trợ xử lý, giải quyết công việc trên các hệ thống thông tin điện tử, trên mạng.

°Vậy việc phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh thời gian qua có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Việc phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, thể hiện qua công tác theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động lĩnh vực này. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định về định hướng, kế hoạch phát triển và ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2016-2020; đặc biệt là các Kế hoạch triển khai nhiệm vụ từng giai đoạn và cụ thể hằng năm. Chỉ số nguồn nhân lực sẵn sàng cho ứng dụng CNTT theo số liệu đánh giá hằng năm là khá cao; hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được quan tâm...

Kiểm tra ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Kiểm tra ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại Sở Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh những thuận lợi trên, thì vẫn còn nhiều khó khăn như: Vấn đề nhận thức của cán bộ, công chức, người dân, cộng đồng xã hội; trong đó, đặc biệt là thủ trưởng, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, nơi nào thủ trưởng, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, có quyết tâm cao thì sẽ thực hiện tốt công tác này. Khó khăn nữa là về hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT còn chưa đồng bộ; các phần mềm ứng dụng chuyên môn, nội bộ, các kiểu dữ liệu đã và đang sử dụng có thể cùng mục đích nhưng lại khác nhau về cấu trúc, định dạng giữa các ngành nên việc liên thông, kết nối, chia sẻ tái sử dụng, kế thừa lẫn nhau còn hạn chế. Mặt khác, kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk mặc dù khá phát triển so với các địa phương trong vùng nhưng vẫn chưa phải là nơi hấp dẫn, thu hút nhân lực về CNTT chất lượng cao, các chuyên gia về làm việc...

°Để công tác triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn, theo ông cần phải lưu ý vấn đề gì?

Để thực hiện tốt công tác triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, ngoài việc chấp hành các quy định chung do Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương quy định, chúng ta cần bám sát thực tiễn của địa phương để xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án triển khai có hiệu quả các ứng dụng CNTT phù hợp với điều kiện, nguồn lực hiện có. Cần tập trung xây dựng, kiện toàn, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách, chuyên quản, chuyên gia CNTT; kiện toàn các quy trình, quy định về triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất có thể. Đồng thời, bổ sung tiêu chí đánh giá về hoạt động triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội...

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.