Multimedia Đọc Báo in

Triển khai đại trà Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk

18:07, 16/10/2018

Năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT triển khai đại trà “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Việc triển khai này chưa nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh. Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông THÁI VĂN TÀI, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh nội dung này.

Phos Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Văn Tài
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Văn Tài

* Thưa ông! Một số phụ huynh trên địa bàn tỉnh phản ánh việc đưa “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” vào giảng dạy sẽ gây quá tải cho học sinh?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo dục địa phương là chương trình học chính khóa. Do đó, việc ngành Giáo dục tỉnh đưa “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk”  vào giảng dạy trong các nhà trường hoàn toàn không tăng thêm tiết học, thêm nội dung mà đang thực hiện nhiệm vụ của năm học theo đúng khung chương trình quy định.

Sở GD-ĐT triển khai nội dung này là căn cứ theo các công văn số 5977/BGDĐT và số 5982/ BGDĐT ngày 7-7-2008 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở cấp tiểu học, THCS và THPT từ năm học 2008 - 2009. Tuy nhiên theo điều kiện, có địa phương chỉ giới thiệu về khung chương trình, giáo viên phải tự tìm hiểu, tự tìm tài liệu để thiết kế nội dung bài giảng. Đối với tỉnh Đắk Lắk – vùng đất có nhiều dân tộc, đa văn hóa, chưa có tài liệu mang tính chất tổng thể trên tất cả các phương diện của mọi mặt đời sống xã hội. Do đó ở giai đoạn trước, các thầy, cô giáo gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nội dung bài giảng về giáo dục địa phương. Thật may mắn, năm 2015 Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phát hành tập sách “Địa chí Đắk Lắk”, đây là cơ sở quan trọng để nhóm tác giả biên soạn “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” căn cứ vào đó cùng một số nghiên cứu khoa học để biên soạn một số đầu sách phục vụ chương trình giáo dục địa phương. “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” cấp tiểu học có 4 môn: Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, tiếng Anh; và cấp THCS  có 4 môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Âm nhạc).

Việc phụ huynh học sinh lo lắng con em mình học quá tải cũng dễ hiểu, tuy nhiên tôi khẳng định đây là tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo chứ không phải là sách giáo khoa. Dựa vào các môn học, đối với cấp tiểu  học các thầy cô giáo sẽ chọn lọc những kiến thức mang tính chất rất cơ bản để giới thiệu cho học sinh của từng khối lớp, tập trung chủ yếu vào khối lớp 4 và  lớp 5; còn các khối lớp 1,2,3 thì các thầy cô giáo phải vận dụng đưa vào giảng dạy một cách khéo léo. “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” được dùng xuyên suốt cả cấp học, chứ không theo lớp nào. Do đó, mỗi em học sinh có thể mua những quyển mình yêu thích tìm hiểu, tham khảo để bổ trợ kiến thức về vùng đất và con người Đắk Lắk. Việc mua “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tùy vào điều kiện thực tế của từng trường.

1
Tài liệu dạy học địa phương Đắk Lắk. 

*Xung quanh “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk”, có phụ huynh cho rằng, việc có thêm tài liệu bổ trợ môn tiếng Anh cấp tiểu học là không cần thiết bởi các em đã có sách tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD-ĐT?

 Cuốn tài liệu tiếng Anh ở cấp tiểu học có tên “Đắk Lắk my lovely hometow”. Chính cái tên đã thể hiện rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của quyển tài liệu bổ trợ này rồi. Một lần nữa tôi khẳng định giáo dục địa phương là chương trình bắt buộc, còn “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” không phải là sách giáo khoa mà là tài liệu bổ trợ phục vụ cho việc dạy - học. Do đó, ngành Giáo dục không chủ trương bắt buộc em học sinh nào cũng phải mua tài liệu giống như sách giáo khoa. Cuốn tài liệu “Đắk Lắk my lovely hometown” nói về chủ đề quê hương, văn hóa, con người, du lịch  Đắk Lắk... đây là một kênh kiến thức để các em học sinh vận dụng thực hành tiếng Anh của mình. Do đó, ngoài hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung  của tài liệu, các thầy cô giáo, các em học sinh, phụ huynh cần nắm rõ cách vận dụng tài liệu này trong quá trình dạy - học.

*Vậy ông có thể cho biết rõ hơn kế hoạch cũng như sự kỳ vọng của ngành Giáo dục khi triển khai đại trà “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” đến học sinh?

Từ học kỳ 2 của năm học trước (năm học 2017 - 2018), có một số phòng GD-ĐT triển khai “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” tại các trường học trên địa bàn. Sở GD-ĐT nhận thấy thời điểm đó là không hợp lý, vì vậy đã chỉ đạo dừng lại và bắt đầu từ tháng 8-2018 (đầu năm học 2018 - 2019) mới triển khai đại trà ở hai cấp học (tiểu học và THCS).

Một lần nữa tôi khẳng định, việc triển khai “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” là đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về chương trình giáo dục hiện hành và chúng ta đang tiếp cận cho chương trình mới. Tức là trong chương trình hiện hành Bộ GD-ĐT chỉ đạo có một lượng kiến thức để các em học sinh tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người địa phương. Tuy nhiên giai đoạn đầu, Bộ GD-ĐT chỉ định hướng cho giáo viên chủ động và tiếp đó, ngành Giáo dục tỉnh đã xây dựng được một công trình mang tính thống nhất để cung cấp kiến thức cho giáo viên và học sinh. Đây là việc làm ý nghĩa. Việc ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk triển khai đại trà tài liệu này có một sự may mắn hơn các tỉnh khác đó là chúng ta tiệm cận với chương trình mới. Bộ “Tài liệu dạy học địa phương tỉnh Đắk Lắk” biên soạn, thiết kế hoàn toàn khác với các địa phương khác ở chỗ, chúng ta tiệm cận theo mảng chủ đề và xuyên suốt từ bậc tiểu học đến bậc THCS, không bị cắt khúc. Thứ nữa là cho dù sau này chương trình giáo dục phổ thông mới có thay đổi thì tài liệu này vẫn phù hợp đương nhiên hằng năm chúng ta sẽ phải có hiệu đính, bổ sung về kỹ thuật còn chủ trương, nội dung của tài liệu là không thay đổi.

*Xin cảm ơn ông!

  Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.