Khống chế thành công bệnh sởi ở Buôn Đôn, Ea Súp
Thời gian qua, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch sởi trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, ngành đã khống chế thành công bệnh sởi ở 2 địa bàn trọng điểm là huyện Buôn Đôn và Ea Súp.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ PHẠM VĂN LÀO, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về nội dung này.
●Bác sĩ có thể khái quát diễn biến của bệnh sởi trên địa bàn tỉnh?
Bệnh sởi xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 10 vừa qua với các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Sau đó bệnh nhanh chóng lan rộng. Đến hiện tại toàn tỉnh ghi nhận 44 trường hợp mắc bệnh sởi tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Bông. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ dưới 9 tháng tuổi đến trẻ lớn, thậm chí cả người trưởng thành (trên 30 tuổi). Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp mắc sởi trên địa bàn đều chưa tiêm hoặc không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Ngay khi ghi nhận các ca bệnh đầu tiên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm y tế các địa phương nơi ghi nhận ổ dịch triển khai các biện pháp phòng chống. Nhờ vậy, đến thời điểm này, chúng tôi đã khống chế được bệnh sởi tại 2 địa bàn trọng điểm là Buôn Đôn và Ea Súp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh thì chưa thể khẳng định vì hiện đang là mùa lạnh – mùa dễ mắc bệnh sởi. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa thể khẳng định được kháng thể trong cộng đồng đã đạt mức độ phòng chống bệnh sởi hay chưa, nhất là trong số ca bệnh được ghi nhận có cả trẻ dưới 9 tháng tuổi – độ tuổi chưa đến lịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
● Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, đâu là giải pháp ứng phó hữu hiệu, thưa bác sĩ?
Để phòng chống bệnh lây lan rộng, ngành Y tế đã tiến hành giám sát toàn bộ khu vực xung quanh các ổ dịch, thực hiện cách ly bệnh nhân và phun hóa chất khử khuẩn tại gia đình người bệnh và khu vực xung quanh. Đồng thời, tiến hành điều tra, lập danh sách và tổ chức tiêm vắc xin sởi – rubella cho toàn bộ trẻ từ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi trong diện tiêm chủng mở rộng, thiết lập thêm các điểm tiêm chủng di động để tất cả trẻ có thể đến điểm tiêm dễ dàng, tránh bỏ sót đối tượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 35 tuổi, thậm chí mở rộng đến 40 tuổi) ở những vùng có nguy cơ cao nhằm đảm bảo kháng thể của người mẹ truyền cho con sau này.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm y tế phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột. |
Ngoài các biện pháp nói trên, công tác truyền thông về phòng chống bệnh sởi cũng được triển khai sâu rộng, vừa truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, vừa tổ chức truyền thông trực tiếp, đưa thông tin đến tất cả các đối tượng. Điều đáng mừng là chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã rất quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong các hoạt động phòng chống dịch sởi. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hơn 2 tuần trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh mới và hy vọng sẽ nhanh chóng khống chế được bệnh sởi trên toàn tỉnh.
● Bác sĩ có khuyến cáo như thế nào với người dân để chủ động phòng, chống bệnh sởi?
Trong các loại dịch bệnh thì bệnh sởi là một trong những bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng lại có thuốc phòng. Do vậy, để phòng bệnh tốt nhất, các bậc phụ huynh có con đến 9 tháng tuổi nên cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng sởi. Nếu trường hợp không nhớ trẻ đã được tiêm hay chưa, các bậc phụ huynh cũng nên đưa trẻ đến điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng bệnh, bởi vắc xin này được tiêm hoàn toàn miễn phí.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh sởi hoặc nghi sởi phải cố gắng cách ly trẻ thật tốt, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác và cộng đồng đề phòng bệnh lây lan rộng. Đồng thời, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, phân loại và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để phòng chống bệnh sởi, các gia đình cần giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng, có ánh nắng mặt trời.
●Xin cảm ơn bác sĩ!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc