Multimedia Đọc Báo in

Chủ động bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc

06:06, 25/05/2019

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chính là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và bảo vệ tài sản, tài nguyên cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác bảo đảm ATVSLĐ.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HẠNH, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chung quanh vấn đề này.

°Theo ông, đâu là vấn đề đáng lưu tâm trong công tác bảo đảm ATVSLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh?

Những năm qua, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh đã có ý thức hơn trong công tác bảo đảm ATVSLĐ, như xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; xây dựng nội quy, quy trình vận hành máy, thiết bị trong quá trình lao động, sản xuất kinh doanh; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị "bỏ ngỏ" công tác này, nhất là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Biểu hiện rõ nhất là thiếu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ cho người lao động; chưa chú trọng huấn luyện ATVSLĐ; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ, sức khỏe cho người lao động; chủ quan trong thực hiện quy trình vận hành máy, thiết bị sản xuất. Trong khi đó, một số lao động do kinh tế khó khăn vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn, có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều đáng lưu tâm nữa là hằng năm có tới trên 70% đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, tai nạn lao động. Nhiều doanh nghiệp có báo cáo nhưng mang tính đối phó, chậm so với thời gian quy định nên ảnh hưởng đến công tác quản lý của các cấp, các ngành chức năng trong công tác ATVSLĐ.

°Việc thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động mà còn dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động. Xin ông cho biết giải pháp để hạn chế tình trạng này?

Những năm qua, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh diễn biến thất thường; nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông (được coi là tai nạn lao động). Để bảo đảm ATVSLĐ trong thời gian tới, ngoài việc làm thường xuyên như: thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật để người sử dụng lao động thay đổi nhận thức, quan tâm hơn công tác ATVSLĐ; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực ATVSLĐ để triển khai tại đơn vị thì các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những đơn vị cố tình vi phạm quy định, nhất là trong các ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May công nghiệp Minh Tuệ (TP. Buôn Ma Thuột).
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May công nghiệp Minh Tuệ (TP. Buôn Ma Thuột).

Quan trọng hơn nữa, các doanh nghiệp, đơn vị phải tự kiểm tra công tác ATVSLĐ, từ đó phát hiện, khắc phục, phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động xảy ra; mua sắm, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc và trang cấp đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động; phải huấn luyện đầy đủ về ATVSLĐ cho người lao động. Song song đó, người lao động phải nhận thức đầy đủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia lao động, sản xuất kinh doanh mới góp phần hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra.

°Trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2019 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Vậy xin ông nói rõ hơn về những nội dung cần tập trung thực hiện?

Tại nơi làm việc luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và hạn chế sự cố đáng tiếc xảy ra, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động của tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động gắn với chủ đề của Tháng hành động như: tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mở rộng, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong khu vực không có quan hệ lao động; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động về ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

°Xin cảm ơn ông!

Thúy Hồng (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.