Multimedia Đọc Báo in

Tích cực ngăn chặn dịch Covid-19 tái bùng phát trên địa bàn

18:58, 05/12/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Y tế tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch tái bùng phát trên địa bàn.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) xoay quanh nội dung này.

* Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về diễn biến của dịch Covid-19 trên cả nước cũng như tại Đắk Lắk đến thời điểm này?

Đến thời điểm này, dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới vừa tròn 1 năm. Kể từ ca bệnh đầu tiên, đến ngày 4-12-2020, toàn thế giới đã ghi nhận trên 64 triệu ca bệnh Covid-19 và gần 1,5 triệu ca tử vong. Trung bình mỗi ngày, đặc biệt là những ngày đầu tháng 12, số ca mắc mới lên đến hơn 660.000 người và gần 12.000 người tử vong do Covid-19.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 4-12 đã có 1.361 ca bệnh Covid-19, trong đó có 35 trường hợp tử vong. Số ca bệnh được phát hiện phần lớn là người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tại các khu cách ly, một số khác được ghi nhận lây lan tại cộng đồng.

Mới đây, nước ta tiếp tục ghi nhận một số ca bệnh lây lan trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh sau gần 90 ngày “vắng bóng”, nguyên nhân xuất phát từ ca bệnh số 1342. Đứng trước tình hình có những ca bệnh mới xuất hiện, TP. Hồ Chí Minh đã  nhanh chóng truy vết F1, F2 và làm xét nghiệm. Hiện nay, một trong những chiến lược kiểm soát Covid-19 là phải tăng cường giám sát, truy vết nhanh để xác định đâu là F1, F2 để tiến hành làm xét nghiệm xác định. Khi F1 được xác định âm tính sẽ tiến hành giải phóng F2.

c
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

* Được biết, ngay sau khi xuất hiện các ca bệnh lây lan trong cộng đồng, tỉnh ta cũng xác định một số trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan. Vậy, ngành Y tế đã có biện pháp xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?

Trong tuần qua, từ khi xuất hiện ca bệnh 1342 tại TP. Hồ Chí Minh và lây lan ra cộng đồng thì tại Đắk Lắk cũng có vài trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh này. Khi ghi nhận thông tin, ngay lập tức ngành Y tế đã tiếp cận, điều tra và lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp có tiếp xúc gần và những người liên quan. Đến hiện tại, chúng tôi đã lấy 7 mẫu xét nghiệm của trường hợp có yếu tố dịch tễ liên  quan đến ca bệnh 1342 và những người tiếp xúc gần với trường hợp này. Kết quả xét nghiệm lần đầu cho thấy cả 7 trường hợp đều âm tính. Riêng những người trong hộ gia đình có trường hợp mang yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh 1342 đang thực hiện cách ly y tế tại nhà. Tính đến ngày 4-2, trường hợp này đã trải qua 12 ngày kể từ thời điểm tiếp xúc, trong 2 ngày tới chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Nếu kết quả tiếp tục âm tính sẽ chấm dứt cách ly với các trường hợp này.

d
Khử khuẩn phương tiện chở công dân đến trung tâm cách ly tập trung.


* Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành đã và đang triển khai những biện pháp gì để tránh cho dịch tái bùng phát lần 3 trên địa bàn tỉnh?

Trước tình hình có những ca bệnh lây lan trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh, ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh khác trong cả nước phải cảnh báo nâng mức độ tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca bệnh hoặc các trường hợp nghi ngờ để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, tại các cơ sở y tế (kể cả các cơ sở y tế tư nhân) cần nâng mức cảnh báo đối với tất cả những người đến khám chữa bệnh, phải xem tất cả họ là người nghi nhiễm, từ đó phân luồng khi đón tiếp ban đầu, hạn chế người thăm nuôi và thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 của Bộ Y tế một cách triệt để.

Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 hiện nay của tỉnh là tăng cường giám sát, nếu phát hiện trường hợp nào có triệu chứng nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và trả lời kết quả ngay trong ngày vừa để kiểm soát người nghi nhiễm, vừa cung cấp thông tin làm cho xã hội yên tâm.

Cùng với đó, Sở Y tế đã thành lập các đoàn tổ chức kiểm tra hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt là đánh giá  mức độ an toàn phòng chống dịch theo quy định tại các cơ sở y tế; phương án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch khi có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra trên địa bàn.

* Với tình hình hiện tại của dịch Covid-19, bác sĩ có khuyến cáo như thế nào với người dân để phòng chống dịch?

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, về phía CDC chúng tôi khuyến cáo người dân bình tĩnh và có biện pháp bảo vệ cho cá nhân, cộng đồng một cách phù hợp theo khuyến cáo chung của Bộ Y tế. Đó là khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc đông người phải thực hiện đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt mầm bệnh; tránh tập trung đông người khi không cần thiết. Trường hợp tiếp xúc với người khác nên giữ khoảng cách 1 mét, bởi khi giữ khoảng cách này và đeo khẩu trang nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh là rất thấp. Ngoài ra, khi ở trong cộng đồng có nguy cơ, người dân nên sử dụng các phần mềm khai báo y tế.

*Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

 

 

 


Ý kiến bạn đọc